Nói về thái độ làm việc trong khoảng thời gian trước và sau Tết, nhiều độc giả chia sẻ:
Khoảng thời gian trước Tết cả tháng, không riêng gì các doanh nghiệp, các cơ quan hành chính làm việc đã rệu rã, tất cả tâm trí, thời gian dành cho mua sắm, đi biếu quà cấp trên... và chuẩn bị về nhà nghỉ Tết, đi du lịch.
Đã vậy, sau Tết vẫn còn rệu rã vì mệt mỏi "ăn Tết", cả tháng sau mới "hồi phục". Thật đúng là "tháng Giêng là... tháng ăn chơi", cái tâm lý ấy hình như đã thành lệ.
Lúc gần tết có một "sức ỳ" rất lớn, không sao tập trung cho công việc được, làm thì có làm nhưng mà năng suất không cao như ngày bình thường.
Một mình tôi có thể vừa làm việc mình vừa giúp đỡ những người khác hoàn thành công việc của họ. Nhưng lúc gần Tết thì mọi việc trở nên lắng xuống, không còn thiết tha nữa.
Công ty cũng đề ra mỗi ngày làm thêm trong Tết sẽ được 1,2 triệu đồng. Lúc đó tôi đang thiếu thốn, mới ra trường, làm kỹ sư công nghệ thông tin, mỗi ngày được 200 nghìn đồng. Nhưng tôi cũng không ham vì nhiều người xét nét. Ở lại làm thêm sợ bị đồng nghiệp kỳ thị là kẻ hám lợi. Ra Tết, tôi khá háo hức muốn làm việc nhưng mà đến công ty được nửa ngày, sếp lại lôi cả nhóm đi nhậu. Thế là nguyên một tháng sau Tết vẫn cứ bị sức ỳ.
Tôi thấy một sự khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam, Trung Quốc và những nước khác đó là người Việt Nam, Trung Quốc rất thích đi theo hội, nhóm. Những nước khác (đặc biệt là phương Tây), ngày nghỉ họ thư giãn, ở một mình hoặc không gian riêng tư cho gia đình nhỏ. Còn ở Việt Nam, Trung Quốc, ngày Tết là lúc người ta đi kiểu như "trẩy hội" vậy, càng đi càng mệt thêm.
Em tôi làm ở TP HCM, lâu lâu được đợt về quê chơi. Thế mà về là say sưa suốt bên bàn nhậu, tiếp đủ loại khách từ sếp tới bạn bè... Có lẽ người ta nên học niềm vui bên công việc thay vì vui với kỳ nghỉ.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.