Có bằng sư phạm là để dạy cho người ta cái tư cách, cái đạo đức, cái lương tâm của con người chứ không phải chỉ để dạy kỹ năng. Dạy kỹ năng thì ai có kỹ năng cũng có thể dạy chả cần phải có bằng sư phạm.
Ví dụ, dạy đạo đức kinh doanh (hay đạo đức nghề nghiệp nói chung) cần người dạy phải có bằng sư phạm nhưng bảo dạy kỹ năng kinh doanh (hoặc kỹ năng nghề nghiệp nói chung) thì người biết hoặc giỏi kỹ năng này là có thể dạy được rồi (nếu người ta muốn dạy).
Ngày xưa các thầy đồ xuất thân từ Nho sinh làm gì có bằng sư phạm vẫn dạy chữ rất tốt đó thôi. Ngày nay, bao nhiêu giảng viên đại học thật sự có bằng sư phạm? Cực kỳ hiếm hoi. Từ "sư phạm" là từ Hán Việt, viết tắt của "phạm trù người thầy", từ thuần Việt gọi là "tư cách nhà giáo".
Người có bằng sư phạm là người có tư cách làm thầy, không phải chỉ về mặt dạy học mà phần nhiều là lương tâm đạo đức nghề. Tốt nghiệp đại học sư phạm ra thì có "tư cách nhà giáo"? Không ạ, chỉ về mặt lý thuyết thôi, còn có đạt được tư cách ấy hay không phải qua một quá trình hành nghề mới biết được.
Nhà giáo buộc học sinh phải đến lớp dạy thêm do mình mở làm bài kiểm tra mới đạt điểm cao thì có tư cách này không? Rõ ràng là không. Chúng ta hiểu cái từ "sư phạm" này một cách quá đơn giản rồi, có thể nói là hiểu sai hoàn toàn.
>> Học tiếng Anh 10 năm vẫn 'mù', ra nước ngoài một năm thành thục
Nhà giáo không chỉ dạy kỹ năng mà còn dạy cho người học ý nghĩa sâu sắc của kỹ năng mà họ dạy về phương diện đạo đức xã hội. Người dạy lái xe có phải là nhà giáo không khi ông ta chỉ dạy cho bạn kỹ thuật lái xe mà không dạy bạn phải nhường đường cho xe cứu thương, xe cứu hỏa, người già cả, con nít băng qua đường, kiên nhẫn xếp hàng khi xảy ra kẹt xe, đặt biển cảnh báo khi xe gặp sự cố kỹ thuật...
Sinh viên y khoa nào chả phải học 10 lời thề Hippocrates thế nhưng khi ra hành nghề đụng phải cơm áo gạo tiền mấy ai còn tuân thủ lời thề ấy? 10 lời thề Hippocrates là đạo đức của nghề y và nghề nào cũng có đạo đức riêng, bao gồm cả nghề làm thầy.
Trở lại với tiếng Anh. Giáo trình tiếng Anh được xem là chuẩn mực là giáo trình được trường đại học Oxford công nhận. Loại giáo trình này dạy cho bạn ngôn ngữ tiếng Anh "quý tộc" với những lời lẽ hết sức nhã nhặn lịch sự.
Nhưng khi ta đến các nước nói tiếng Anh, tiếng Anh địa phương ít khi dùng những lời lẽ như vậy, người ta thường gọi là tiếng Anh "chợ búa". Bạn dùng tiếng Anh "quý tộc", người ta nhìn bạn như thể "có cần phải lễ phép như thế không ?".
>> Việt Nam tụt hạng tiếng Anh - người Việt ít nhu cầu hay cách dạy cũ kỹ?
Trong giáo trình chuẩn mực, người dạy sẽ giải thích cho bạn vì sao phải dùng từ như thế, đó là người có bằng sư phạm. Còn nếu không có bằng? Đơn giản là họ chỉ dạy kỹ năng mà thôi. Được người có bằng sư phạm dạy bạn dễ dàng phân biệt được các từ đồng nghĩa cũng như cách dùng chúng, ngữ cảnh nào dùng từ nào, nhấn ở đâu, mang hàm ý gì.
Người không có bằng sư phạm đơn giản chỉ dạy cho bạn làm thế nào để giao tiếp ở trình độ phổ thông, tiếp xúc với mọi loại người không phân biệt "tôn ti trật tự" Tưởng tượng, người nhỏ nói với người lớn, cấp dưới nói với cấp trên bằng tiếng Anh "chợ búa" thì sẽ ra sao?
Dĩ nhiên, nếu ai cũng nói loại tiếng Anh ấy thì chả có gì để nói vì mọi người đều học tiếng Anh với trình độ như nhau. Với những người am hiểu sâu ngôn ngữ này, họ sẽ rất khó chịu giống như kiểu người Việt nói chuyện với nhau bằng cái giọng "mày tao".
Tiếng Việt lịch sự kia còn nói không thông nói chi tiếng Anh lịch sự. Có nói được hay không phần nhiều là do ý thức đạo đức mà ý thức đạo đức thì do ai dạy?
Muốn phát âm chuẩn một từ vựng bất kỳ, bạn phải học phiên âm quốc tế. Biết đọc phiên âm quốc tế thì từ nào cũng phát âm chuẩn chả cần ai dạy. Các trung tâm Anh ngữ thường dạy phiên âm quốc tế ngay sau bảng chữ cái nhưng rất ít người chịu để ý.
Từ ngữ vô cùng phong phú, ai ở đó mà dạy cho bạn phát âm từng từ được. Ngay sau phiên âm là các quy tắc nhấn từ, nhấn câu. Sau dấu nhấn là các quy tắc nuốt từ - đọc nối giữa âm cuối của từ trước và âm đầu của từ sau. Tất cả những cái này, ở đâu cũng như nhau, họ chỉ dạy qua một lần, tự bạn phải rèn luyện hàng ngày, họ không nhắc lại nữa.
>> Tôi mất căn bản tiếng Anh vì ám ảnh bị chê phát âm sai
Tất cả những cái này đều được dạy ở lớp học tiếng Anh thấp nhất, cơ bản nhất mà rất nhiều người đã học qua tiếng Anh trong trường phổ thông thường chủ quan bỏ qua, đăng ký vào học lớp cao hơn, mất cơ bản rồi kêu ca người này người kia dạy không chuẩn.
Ở lớp cơ bản này người dạy thường là người có bằng sư phạm, còn những lớp cao hơn thì người ta chỉ dạy theo giáo trình, không nhất định phải có bằng sư phạm.
Bạn có thể tự học tiếng Anh theo giáo trình ở nhà? Không có vấn đề gì nếu như bạn nhớ là không được nói tiếng Việt trong giờ học tiếng Anh. Tự học ở nhà, nhiều người không ước thúc được bản thân, vẫn nói tiếng Việt xen lẫn tiếng Anh, hiệu quả cực kỳ kém có thể nói là vô ích.
>> Tôi phí tiền học hai khóa tiếng Anh tại trung tâm
Để tự học tiếng Anh ở nhà, bạn phải biết ít nhất một nghìn từ thông dụng. Những từ thông dụng này dùng để giải nghĩa cho những từ phức tạp hơn (giống như trong từ điển Oxford). Tức là, bạn không được dùng tiếng Việt để giải nghĩa cho một từ tiếng Anh mới học.
Vấn đề còn lại là "nói theo thành ngữ và viết theo ngữ pháp" với tốc độ tăng dần lên đến mức "bình thường". Cả thành ngữ và ngữ pháp đều phải học thuộc lòng, chả có đường tắt nào cả.
Bạn có cần phải có bằng sư phạm để tự dạy chính mình không? Vì sao biết tiếng Anh cơ bản chỉ cần ở nước ngoài 3 tháng là có thể nghe – nói lưu loát? Vì trong môi trường đó bạn nói tiếng Việt chả ai hiểu, bạn buộc phải nói tiếng Anh.
Vì sao nhiều người Việt Nam ở nước ngoài lâu năm không nói được tiếng Anh? Vì họ chả bao giờ ra khỏi cộng đồng người Việt. Ở lâu trong môi trường tiếng Anh không sử dụng tiếng mẹ đẻ bạn sẽ dần quên mất tiếng Việt, dù bạn sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Đó là điều tự nhiên xảy ra với bất kỳ người nào.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.