Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, với tư cách là phụ huynh có con đang học lớp 1.
1. Về clip dạy trẻ em học bằng phương pháp đọc chữ "ô vuông, tam giác: Nhiều người không hiểu toàn diện vấn đề, xem xong clip đó thì cho rằng đây là cách dạy lạ lùng hay nước mình sắp thay đổi chữ viết, sắp chuyển từ “a bê xê” sang hình vuông, tam giác, sẽ mất chữ quốc ngữ truyền thống...
Xin thưa, không có chuyện thay đổi chữ viết nhé. Mục đích học là để đếm tiếng, học cách tách lời nói thành các tiếng, chứ chưa phải học cách đánh vần, học chữ. Các cháu học cái này trong vòng vài tuần đầu. Sau đó chuyển sang học bản chữ cái như bình thường.
Không có chuyện dạy những hình này thay các chữ cái truyền thống. Tóm lại: Việc học này chỉ là giai đoạn đầu tiên và rất ngắn, để biết đếm và tách tiếng, sau đó không dùng mấy hình này nữa.
>> Đánh vần c/k/q là 'cờ' và những nhầm lẫn đáng tiếc của các thế hệ người Việt
Quy trình thế này: Các cô sẽ cho một bài thơ, ca dao để các cháu học thuộc trước (vì thơ, ca dao... rất dễ thuộc với các bé, cũng giống như bài hát - Các bé dễ thuộc nhiều bài hát mặc dù chưa biết chữ). “Tháp - Mười - Đẹp - Nhất - Bông – Sen”. Có sáu tiếng, thì ứng với sáu hình (hình vuông hay tam giác không quan trọng, chỉ là số lượng sáu tiếng phải sáu hình).
Sau đó cô chỉ vào từng ô vuông để các cháu đọc theo để biết cách tách ra từng tiếng. Việc dạy cái hình vuông này là để cho học sinh biết được mỗi một tiếng ứng với một hình, trẻ sẽ không đọc thừa chữ, thiếu chữ. Không phải nhìn hình vuông mà đọc được chữ nhé, do các cháu học thuộc lòng trước mà thôi.
2. Về chương trình công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại chủ trì: Sách này đã đưa vào dạy học khá lâu (từ năm 1977) và áp dụng ở nhiều địa phương chứ không phải bây giờ mới dạy. Hiện nay đang có ít nhất hai bộ sách dạy lớp 1, một là bộ sách theo chương trình đại trà của Bộ Giáo dục và một bộ theo chương trình Công nghệ giáo dục này.
Giữa hai phương pháp trên: Việc học theo phương pháp nào đang gây tranh cãi rất nhiều vì phương pháp nào cũng có ưu, nhược điểm. Theo các nhà khoa học, các giáo sư đầu ngành: sách Tiếng Việt lớp 1 đại trà ưu thế hơn về phát triển các kỹ năng một cách toàn diện: đọc thành tiếng, viết chính tả, đọc hiểu, nói nghe... Nhưng học theo sách Tiếng việt 1 – Công nghệ giáo dục có ưu thế rất nổi bật về kỹ năng đọc thành tiếng, viết chính tả. Mục tiêu của phương pháp công nghệ giáo dục này là thay đổi phát âm một cách khoa học, đúng bản chất từ âm tới chữ, giúp học sinh chưa biết đọc biết viết có thể biết đọc nhanh hơn, biết viết nhanh hơn.
>> 'Chưa hiểu phương pháp đọc vuông tròn, nhiều người đã vội ném đá'
Không những tạo nền móng tốt cho trẻ, mà còn giúp trẻ tự tư duy (bớt học vẹt) và sau này trẻ học những ngôn ngữ khác như tiếng Anh cũng sẽ tốt hơn. Ở các khu vực miền núi, với các trẻ em người dân tộc thiểu số (học tiếng Việt xem như ngôn ngữ thứ hai với các em), việc học theo phương pháp này giúp các cháu tiếp cận nhanh, tỷ lệ tái mù chữ rất thấp so với học theo phương pháp hiện hành.
3. Phương pháp này do nhiều chuyên gia nghiên cứu ra và tồn tại đến nay là do có thành công nhất định, chứ không phải thất bại. Chưa có ai ghi nhận trẻ bị mù chữ hay viết lạc, đọc lạc sau khi phát âm theo cách này. Chắc chắn, khi đưa vào giảng dạy những giáo trình này đã được đánh giá, thẩm định, sửa chữa, nhiều năm bởi những người có chuyên môn. Mặc dù có hạn chế, nhưng về cơ bản, đây là phương pháp có cơ sở khoa học và thực tiễn, hỗ trợ học sinh trong việc học tiếng Việt.
Theo quan điểm cá nhân, con tôi ở nhà học theo phương pháp này rất tốt và nhanh. Còn nội dung một số bài học trong sách này có điểm chưa chuẩn, chưa hợp lý hoàn toàn (như về các câu truyện phản cảm như quả bứa, mẹ đi chợ về... một số từ ngữ còn vùng miền, chưa phổ thông như quện, gà qué...), tôi rất tán thành việc chỉnh lý, sửa chữa những điểm này để thật chuẩn và phù hợp với trẻ em.
Còn nếu bạn không đồng tình, bạn có thể chọn phương pháp khác (như đã nói mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm) và mỗi người có quan điểm khác nhau về hai phương pháp này.
>> Đấu tố' đánh vần c/k/q sẽ làm chùn bước tinh thần khoa học
4. Việc học theo phương pháp này có làm thay đổi tiếng Việt hoặc làm mất đi chữ quốc ngữ không?
Xin thưa là không. Phương pháp này chỉ là thay đổi cách đánh vần, giúp học sinh đánh vần nhanh hơn, không làm thay đổi chữ viết. Có đánh vần theo cách nào thì cuối cùng kết quả đọc, phát âm trọn vẹn và viết chữ vẫn thế.
Với trẻ lớp 1, quan trọng là đích đến, đánh vần theo phương pháp nào không quan trọng và có thể vận dụng linh hoạt. Còn mục tiêu là trẻ có thể đọc viết thông thạo.
Khi đã biết đọc, biết viết thì không ai cần quan tâm đến việc phát âm nữa. Đích đến của chúng ta là sau khi trẻ học xong lớp 1, đưa cho trẻ quyển sách, hay tờ báo nào là các cháu có thể đọc, sau đó viết được, như thế là thành công.
5. Cần phân biệt rõ việc áp dụng phương pháp đổi mới phát âm này do GS Hồ Ngọc Đại chủ trì, không liên quan gì đến đề xuất cải cách chữ viết của PGS Bùi Hiền (ông Bùi Hiền đề xuất thay đổi một số cách viết chữ quốc ngữ, chỉ là công trình nghiên cứu và đề xuất của riêng của ông ấy, Nhà nước mình không hề đồng ý hay cho áp dụng nhé). Tóm lại hai vụ này là khác nhau
6. Theo nhìn nhận của tôi, vấn đề cốt lõi là các vị phụ huynh đang đặt vị trí là chính mình để tiếp nhận, để học theo phương pháp này (những người đã quen với phương pháp cũ, quá khó để chấp nhận phương pháp mới vì họ không thể dạy con ở nhà được nếu áp dụng phương pháp mới) mà không phải ở vị trí là đứa trẻ con như tờ giấy trắng (ở đây hai phương pháp mới hay cũ thì tụi trẻ đều có khả năng tiếp nhận như nhau, mà rõ ràng phương pháp mới ngắn gọn hơn học nhanh hơn). Vì vậy đừng áp đặt suy nghĩ của người lớn lên trẻ con mà cứ đinh ninh rằng tụi nhỏ không thể tiếp nhận được vì cứ suy nghĩ phương pháp mới quá rắc rối với mình (chứ không rắc rối với trẻ con, tụi nhỏ chưa biết gì cả).
>> Dạy đánh vần k/c/q là 'cờ' và thái độ phê phán cái mới
Lấy ví dụ cụ thể: để phụ huynh học được phương pháp mới này, họ sẽ phải trước tiên là tạm quên đi phương pháp cũ, rồi học lại phương pháp mới nên cảm thấy rắc rồi phức tạp hơn trong khi tụi trẻ thì chả cần quên gì cả, học luôn theo phương pháp mới (phương pháp này học nhanh hơn phương pháp cũ). Tóm lại tư duy người lớn đừng quá bảo thủ, không muốn thay đổi vì nó lạ với mình, đừng mặc định cho mình cái quyền phải dạy đọc cho con, nếu không rành phương pháp mới thì hãy để cho người có chuyên môn dạy, ở đây chính là thầy cô giáo.
Tóm lại: giáo viên có chuyên môn để dạy con mình, bố mẹ nếu nắm được thì dạy thêm ở nhà, không thì thôi, hãy để giáo viên người ta dạy, và hãy nghĩ đích đến để làm gì. Bố mẹ nếu có thời gian rảnh hãy dạy cho con những thứ khác: kỹ năng sống, cách ứng xử, cách vui chơi...
7. Hiện tại câu chuyện "phương pháp đánh vần tiếng Việt 1" đang bị đẩy càng ngày càng xa và cứ thêm vài ngày lại có diễn biến mới. Từ việc cách đánh vần lạ, cho tới ngữ liệu được sử dụng không phù hợp, cho tới tiền in sách khủng, cho tới việc đọc theo ô vuông và tam giác
Hàng triệu người đang like, share và đặc biệt là chửi, chửi rất thậm tệ, chửi rất quyết liệt những thứ mà mình... chưa hiểu gì cả. Nhiều bạn chỉ xem các clip cắt ghép trên mạng, tiếp cận các thông tin sai lệch và bị ảnh hưởng từ tin tiêu cực, chưa tìm hiểu thấu đáo vấn đề đã bức xúc, hoang mang.
Chưa bàn đến cách đánh vần đó đúng hay sai, hợp lý hay không hợp lý, phương pháp nào sẽ tốt hơn... chỉ riêng việc lao vào to tiếng chửi thứ mình không biết rõ chắc chắn là không hợp lý. Các bạn đang chửi Giáo dục bằng những ngôn ngữ phản giáo dục nhất trong tiếng Việt để... bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Hãy bỏ thời gian nghiên cứu một tí trước khi tranh cãi, tranh luận vấn đề gì nhé.