Khi cách dạy đánh vần của sách Tiếng Việt 1- Công nghệ Giáo dục được lan truyền rộng rãi, tôi thấy nhiều người vội vàng buông lời chỉ trích mà không chịu suy xét thấu đáo vấn đề.
Nhà triết học Hegel từng viết: "Cái gì tồn tại thì hợp lý, cái gì hợp lý thì tồn tại". Và thực tế, cách dạy này của GS Hồ Ngọc Đại đã được triển khai 38 năm tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác.
Nếu cách đánh vần này không hợp lý, tôi nghĩ nó đã bị giáo viên, học sinh đào thải từ 38 năm trước chứ không tồn tại đến bây giờ.
Còn nhớ, đề xuất cải cách "tiếng Việt" thành "Tiếq Việt" của PGS Bùi Hiền đã chết yểu ngay từ lúc còn nằm trên giấy? Bởi vì nó không hợp lý, và cái gì không hợp lý thì sẽ không thể tồn tại lâu được.
Quay trở lại vấn đề dạy phát âm c/k/q thành "cờ", phải chăng nhiều người đứng bên lề chỉ trích với tâm lý ngại thay đổi, ngại cái mới?
Đời sống ở nước ta hàng nghìn năm nay phần nhiều dựa vào chủ nghĩa kinh nghiệm, kiểu như "đói ăn rau, đau uống thuốc". Những điều này được thế hệ trước dạy cho thế hệ sau, cứ thế mà làm. Việc này vô tình dẫn đến tâm lý ù lỳ, ngại thay đổi, chậm thích nghi với cái mới.
Kiểu đánh vần "tí"- "tờ i ti sắc tí" có lẽ tồn tại từ thời mới mở các lớp bình dân học vụ khoảng năm 1945-1946. Khi ấy, đa số đồng bào ta đều mù chữ. Và có lẽ đây là cách dạy hợp lý nhất, dễ dạy nhất để mọi người đọc được chữ trong thời gian ngắn nhất.
Và nay, khi có một phương pháp dạy đánh vần mới, được nghiên cứu bởi các nhà khoa học có chuyên môn và đã được thực nghiệm trong thời gian dài thì mọi người cần có thái độ đúng đắn khi phản biện hoặc chỉ trích.
Không thể viện dẫn những bình luận cảm tính kiểu "khi xưa tôi học đánh vần kiểu khác", "chẳng lẽ tôi phải học lại lớp một" hay "tội cho các cháu lớp một bây giờ" để phê phán một công trình nghiên cứu khoa học được.
Phải chăng, nhiều người phản ứng vì họ đã quá mệt mỏi với những cải cách mà ngành giáo dục đã đưa ra trong những năm qua? Và niềm tin của họ đã vơi dần khi con em của mình được dạy những bài toán lạ, kiểu như: “Em có 5 ngón tay, em chặt bớt 2 ngón, hỏi còn mấy ngón?”.
Tôi nghĩ, phụ huynh có quyền nghi ngờ về những điều mà con em mình được dạy trong nhà trường, mọi ý kiến cần được nói ra. Nhưng những điều cần được nói này phải là những lời đóng góp để mọi thứ tốt đẹp lên, chứ không nên là những viên gạch đá được ném ra.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây
>> Xem thêm: 'Tiếng Việt thành Tiếq Việt' và phản biện văn hóa