Từ ngày đầu tiên, ông Park đến Việt Nam trong sự dè bỉu của không ít người với đủ sự nghi ngờ: Lối đá Hàn Quốc thiên về thể lực không hợp đội tuyển, sự tính toán của ông bầu, Miura thứ hai... Đến giờ, đã qua 8 giải từ Thường Châu đến King's Cup, giá trị của ông Park mang lại tôi xin phép dùng hình ảnh biển người cùng lá cờ đỏ sao vàng sau mỗi trận đấu để diễn tả. Nó khó có thể đo đếm được. Không phải vì chúng ta vô địch mọi giải đấu, mà chính HLV Park đã kéo chúng ta về với đội tuyển, bằng những cảm xúc đắng cay, ngọt bùi, dâng trào theo từng đường bóng.
Hôm nay, tôi lại đọc những bình luận của người hâm mộ rằng: "Vắng mợ thì chợ vẫn đông", "ông Park thử rời đi xem có thành công không?", "ở Hàn Quốc trước khi đến Việt Nam ông chỉ là HLV ở giải hạng 4, 5" hoặc "thành công là do chúng ta đang có lừa cầu thủ tốt"... Tôi thấy nhiều người dường như quá phũ phàng với một người đàn ông mà đến giờ chỉ đem cho chúng ta những điều chưa từng có trong lịch sử, dù ông chỉ hưởng một mức lương thuộc dạng thấp nhất ở Đông Nam Á.
>> 2 triệu USD thuê HLV Park để 'học' chứ không chỉ mua thành tích
Ông Park có ở lại hay không? Lương nếu ở lại là bao nhiêu? Cả tôi, người hâm mộ cũng như VFF đều không biết. Có thể là 2 triệu USD/năm hoặc không. Nhưng nếu thầy Park ra đi, tôi không quan tâm ông thành công hay thất bại, chỉ chúc ông nhiều sức khoẻ. Cái tôi quan tâm là tuyển Việt Nam sau đó sẽ ra sao?
Điểm chung của những HLV tiền nhiệm như Miura, Nguyễn Hữu Thắng và HLV Park Hang-seo bây giờ là đều có chung một quy trình: HLV đến trong sự dè bỉu, nghi ngờ của cổ động viên. Nếu thất bại họ buộc phải ra đi trong lời cay đắng của người hâm mộ, còn nếu thành công thì cũng bị coi là gặp may như ông Park. Và rồi vòng tròn ấy lặp đi lặp lại. Đó là quy trình của niềm tin. Những người hâm mộ luôn tin rằng mình đúng, nhưng nếu sai, bóng đá Việt Nam sẽ lại phải bắt đầu lại từ đầu, loay hoay tìm một vị HLV mới như những gì diễn ra suốt bao năm qua.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.