Sau bài viết Người Việt, bác sĩ Việt, nhiều độc giả nêu ý kiến, cho rằng chất lượng y tế giữa các tuyến chưa đồng đều:
Khi chất lượng giữa các tuyến không đồng đều thì người dân sẽ đổ về các bệnh viện lớn, dẫn đến bệnh viện lớn thì quá tải, kéo theo đó chất lượng khám chữa bệnh sẽ giảm xuống, ngược lại bệnh viện huyện, tỉnh thì thưa thớt, lãng phí. Tôi lấy ngay trường hợp mẹ của tôi bị té gãy tay, đi bó bột ở bệnh viện huyện. Sau khi tháo bột thì tay bị đơ, và đau khớp. Xuống bệnh viện chấn thương chỉnh hình ở thành phố thì bác sĩ cho biết lúc bó bột không chuẩn nên bị can xương. Hay như trường hợp bé gái ở Đắk Lắk phải cưa chân vì sự yếu kém của bác sĩ tuyến dưới.
Rất nhiều bệnh nhân dù bệnh không hề nghiệm trọng nhưng vẫn phải vượt hàng trăm cây số để đến khám chữa bệnh ở các bệnh viện lớn, vì họ không tin chất lượng ở tuyến dưới. Đây là bài toán đầu tiên mà ngành y tế cần phải giải quyết nếu muốn nâng cao y tế nước nhà.
Trình độ của bác sĩ tuyến dưới và tuyến trên có sự khác biệt lớn... Trong khi đó bệnh nhân ai cũng muốn được thăm khám bởi bác sĩ giỏi, bệnh viện có cơ sở vật chất tốt, dịch vụ tốt, và được tôn trọng.
Bác sĩ nhóm đầu của Việt Nam thì rất giỏi. Nhưng những sai lầm từ bệnh viện tuyến dưới làm người dân không đủ tự tin để giao sức khỏe và mạng sống của mình vào nơi mình không yên tâm.
Lòng tin là thứ gì đó rất khó xây dựng nhưng rất dễ mất đi, khi mất đi rồi thì khó lấy lại gấp trăm lần.
Con tôi bị thoát vị bẹn, vào bệnh viện tỉnh bác sĩ tư vấn phải nằm theo dõi trước khi mổ năm ngày, sau khi mổ nằm lại khoảng một tuần. Vậy là mất của tôi gần nửa tháng, tính tiền phòng dịch vụ 300 nghìn đồng một ngày thì tôi cũng mất khoảng 4 triệu đồng. Tôi lên tuyến trên mổ dịch vụ chỉ mất hai ngày và chi phí tất cả khoảng 2,5 triệu đồng chi phí đi lại khoảng một triệu đồng, không nằm viện ngày nào.
Vậy, để giải quyết tình trạng "chảy máu ngoại tệ" do khám chữa bệnh ở nước ngoài thì chúng ta phải làm gì? Theo tôi, việc đầu tiên có thể làm ngay được là phát triển hệ thống khám chữa bệnh theo yêu cầu chất lượng cao với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, tập trung đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn, chuyên nghiệp, tận tụy, vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, song hành với đó, chúng ta phải luôn đảm bảo quyền lợi của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế, hỗ trợ người bệnh nghèo, đồng bào vùng khó khăn, đồng thời tiếp tục tăng cường năng lực y tế tuyến cơ sở... để không ai không được chăm sóc y tế.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ cần đẩy mạnh truyền thông, quảng bá thông tin về sự phát triển và các thành tựu y tế nước nhà để người Việt không phải ra nước ngoài điều trị mà ngược lại còn thu hút thêm người bệnh trong khu vực tới khám chữa bệnh kết hợp du lịch tại Việt Nam.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.