Nhân đọc được bài viết của bạn Nguyễn Bảo: "Ai cũng lên mặt và dạy đời tài xế xe ôm công nghệ" tôi rất đồng cảm và cũng có một vài suy tư muốn chia sẻ.
Tôi đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ có mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội trong đó có Đào tạo kỹ năng và nghề nghiệp cho các đối tượng yếu thế.
Con người từ khi biết canh tác nông nghiệp cho đến khi hình thành xã hội hiện đại ngày nay đã trải qua ít nhiều 10.000 năm. Nhưng đó cũng chỉ như một tích tắc của lịch sử trái đất từ lúc sự sống hiện diện. Để phục vụ cho mục đích tối hậu là sinh tồn và lưu truyền DNA qua thế hệ tiếp theo, con người cũng như mọi loài sinh vật khác đã giành lấy những nguồn tài nguyên hạn hữu trong lúc phải chống chọi với thiên nhiên và sự cạnh tranh từ đồng loại. Và hiển nhiên trong cuộc chiến đó những cá thể khỏe mạnh, thông minh, cần cù và tài năng phú bẩm sẽ chiếm được vị trí cao hơn trên nấc thang địa vị xã hội. Lẽ thường tình.
Ngày nay, như minh chứng cho việc ai cũng có thể trở nên giàu có và nắm lấy số phận của chính mình, ta thấy thường xuyên hơn trên mặt báo những tỷ phú tự thân đi lên từ tay trắng, có xuất phát điểm vô cùng thấp nhưng đã vượt lên số phận của chính mình. Và chắc bạn cũng đã đâu đó nghe thấy một người thành đạt nói rằng "35 tuổi vẫn còn nghèo - vì bạn đáng như vậy ". Bạn như vậy vì bạn xứng đáng với năng lực ít ỏi mà bạn có.
>> 'Người trẻ chạy xe ôm không sai, nhưng đừng vô trách nhiệm'
Tuy nhiên theo nghiên cứu mới đây công bố trên tạp chí Nature Genetics vào tháng 7/2018 đã chỉ ra rằng: "Những đứa trẻ có khả năng học tập kém cỏi nhất nhưng sinh ra trong gia đình giàu có vẫn có tỷ lệ tốt nghiệp đại học cao hơn nhóm trẻ có khả năng học tập tốt nhất nhưng sinh ra trong gia đình nghèo khó.
Chỉ có khoảng 24% số trẻ sinh ra ở gia đình nghèo khó nhưng có tiềm năng học tập cao tốt nghiệp đại học. Trong khi đó, 63% trong nhóm trẻ có khả năng tương tự nhưng sinh ra trong gia đình có nền tảng kinh tế tốt hơn làm được việc này.
Ngược lại, có khoảng 27% trong nhóm 1/4 có chỉ số cuối bảng nhưng giàu có tốt nghiệp đại học. Điều này có nghĩa là tỷ lệ tốt nghiệp đại học ở nhóm năng lực kém nhất nhưng giàu có thậm chí còn cao hơn tỷ lệ tốt nghiệp đại học ở nhóm năng lực cao nhất nhưng nghèo khó".
Xem ra câu "Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa" hẳn vẫn còn giá trị của nó.
Vì sao ta lại có cái nhìn thiếu thiện cảm với người nghèo? Như trên đã nói, việc giải phóng khỏi ý niệm về số phận một mặt thúc đẩy tinh thần dấn thân của con người nhưng cũng làm cho xã hội có cái nhìn nghiêm khắc hơn về thành công và thất bại. Để thành công đòi hỏi một người phải hội tụ được nhiều phẩm chất như sáng tạo, kiên trì, quyết liệt, tham vọng...Và dĩ nhiên minh chứng cho những điều ấy có thể qua một căn nhà, một chiếc ô tô, một chiếc đồng hồ hiệu hay một vị trí công việc văn phòng ở trung tâm thành phố. Nếu bạn không thành công, đó là do năng lực của bạn, vì bạn là con người như thế, bạn tầm thường, lười biếng.
>> 'Nói chạy xe ôm công nghệ lương cao hơn nhân viên văn phòng là thiển cận'
Tôi có đọc được bài báo phản ánh thực trạng nhiều bạn trẻ ở Trung Quốc bị ám ảnh bởi việc vươn tới thành công. Có trường hợp một sinh viên thậm chí đã tuyên bố sẽ tự tử nếu không thành công vào năm 35 tuổi. Quyết tâm chỉ là một thành tố của thành công. Sự thật rằng "vô vàn những sự kiện bên ngoài và những tính cách bên trong sẽ tạo nên một người thì giàu có còn người kia thì nghèo túng, giữa họ còn có vận may và tình cảnh, bệnh tật và nỗi sợ hãi, tai nạn và xuất phát muộn, biết chọn thời cơ và sự rủi ro" (Trích từ "Nỗi lo âu về địa vị", Alain de Botton)
Sự phức tạp, độ khó của một công việc đòi hỏi trình độ, năng lực tương xứng của người thực hiện. Và một điều không thể bỏ qua đó là cung cầu của thị trường cho loại công việc đó. Dựa trên những điều kiện trên để quyết định liệu một người có nhận được việc và sự trả công để hoàn thành nó là bao nhiêu. Một tay sát thủ với những kỹ năng cá nhân điêu luyện có thể được thuê với thù lao 2 triệu đô la để bắn hạ ai đó. Trong khi một cô y tá tận tâm vì bệnh nhân làm việc hơn 12 tiếng/ngày sẽ chỉ nhận được lương tháng khiêm tốn. Lý giải đơn giản cho việc này là bởi người có khả năng như tên sát thủ là hạn hữu nhưng số người có thể đảm nhiệm công việc như cô y tá lại lớn hơn gấp nhiều lần.
Trở lại với bài viết của bạn chạy xe ôm công nghệ. Nỗi giày vò, tủi hổ không phải ở sự vất vả của công việc mà là ở sự khinh khi của người đời, trong đó có cả những người đang hưởng lợi từ việc sử dụng dịch vụ của bạn. Họ cho rằng chạy xe ôm công nghệ cũng như nhiều công việc tay chân khác không có mấy giá trị nghề nghiệp sau này, hay chăng là loại công việc mà những kẻ thua cuộc đáng phải nhận lấy. Vì những người không chuyên môn, thu nhập bấp bênh có khả năng cao hơn đi vào con đường phương hại đến người khác và vi phạm pháp luật để mưu sinh.
Nếu có phương án tốt hơn họ hẳn đã không chọn công việc này. Họ làm công việc này tạm thời trong lúc tính đến kế hoạch xa hơn vì chỉ khi no người ta mới có thể nghĩ về mơ ước.
>> Sinh viên lao vào xe ôm công nghệ vì bị giáo dục theo lối thụ động
Khi mà cách mạng công nghiệp và tự động hóa ngày càng "giải phóng" chúng ta khỏi việc làm, vấn đề của những người trẻ không qua đào tạo và kỹ năng sẽ còn gay gắt hơn. Chính vì vậy mà Liên hợp quốc trong 17 mục tiêu phát triển bền vững hướng đến năm 2030 có mục tiêu số 8 mang tên "Decent work and economic growth", tạm dịch là "Công việc tử tế và tăng trưởng kinh tế". Như thế nào là một công việc tử tế? Nó có nghĩa là cơ hội cho mọi người có được một công việc năng suất, tạo ra thu nhập khá, một môi trường làm việc an toàn và bảo đảm cho gia đình mình, triển vọng tốt hơn cho sự phát triển bản thân và hội nhập xã hội.
Mỗi cá nhân nên ý thức được sự cần thiết của việc trang bị cho mình những kỹ năng mới, nâng cao năng lực bản thân để đương đầu với thách thức.
Dù rằng mặt đất không là thiên đường dành cho tất cả. Nhưng chúng ta có thể thấu hiểu nhau trong thân phận con người để sống chan hòa hơn. Nếu có thể bỏ đi những định kiến, cách nhìn áp đặt với một nhóm người nào đó và tỉnh táo để suy xét từng trường hợp cụ thể thì may ra chúng ta sẽ có được một cái nhìn đúng đắn tiệm cận tới sự thật.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.