Sau bài viết Ác mộng điểm 8 của trẻ, nhiều độc giả chia sẻ câu chuyện học hành của con mình:
Kết quả học tập sau bậc phổ thông mới đánh giá năng lực học của con. Khi con tôi học ở phổ thông, điểm số hàng năm cũng chỉ ở dạng khá. Nhưng khi vào đại học, học ngành kỹ thuật cơ khí, chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh do các giảng viên nước ngoài dạy. Kết thúc năm nhất con đạt loại giỏi. Cuốn tài liệu 200 trang, giảng viên chỉ hướng dẫn trong một buổi sáng là xong, còn lại là phải tự tìm hiểu để học.
Không như thời phổ thông, đa phần học sinh đi học trước (thêm) rồi lên lớp học lại. Bài tập rập theo khuôn mẫu, vậy sao không được điểm đẹp. Thành ra khi thấy con học ở bậc phổ thông học lực tốt, nhưng vô đại học bị đuối là chuyện bình thường, do không thể tự học. Con tôi thời phổ thông môn văn có bao giờ được quá 6 điểm. Nhưng khi vào đại học làm báo cáo gửi cho giảng viên là được chấp nhận ngay. Trong khi đó các bạn từng học trường chuyên phải nhờ con tôi sửa lại bản báo cáo trước khi nộp.
Trẻ em bây giờ khổ quá, ngày xưa được điểm 8 là mừng lắm rồi. Cuối năm tổng kết, cả trường có vài người trên 8.0 thôi. Môn Văn thì được 7 là đã may lắm, chỉ có Toán Lý Hóa may ra mới được 9, 10. Các môn như Địa, Sử, Công dân... hiếm khi nào có điểm cao.
Chưa nói đến điểm số, tôi thấy lũ trẻ ngày nay đi học không vui vẻ, hạnh phúc như chúng ta ngày xưa. Rất thương nhưng không biết phải làm thế nào? Con tôi học giỏi nhưng vẫn rất sợ thầy, cô giáo. Áp lực bài vở, đua tranh quá lớn. Học hai buổi mà vẫn học thêm và làm bài tập ở nhà. Chúng ta ngày trước học có một buổi, một buổi còn lại làm việc nhà hoặc vui chơi..., đa số đều khoẻ mạnh và hạnh phúc, vui vẻ, kể cả những học sinh cá biệt học hành lẹt đẹt. Mà các bạn tôi đứa nào học dốt nhất giờ lại giàu có, thành công nhất. Nên đừng ép con quá.
Bậc cha mẹ nào cũng muốn con mình thành rồng thành phượng cũng là lẽ thường. Và câu ngụy biện hay nhất vẫn là "bố mẹ làm vậy cũng chỉ muốn tốt cho con thôi". Nhưng họ đâu biết được thế nào mới là tốt cho tụi nhỏ. Hãy để bọn trẻ được sống vui, sống khỏe và sống đúng với tuổi thơ của chúng. Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn.
Mây của trời, hãy để gió cuốn đi
Việc trẻ bây giờ bị áp lực điểm số, thành tích cũng dễ hiểu thôi. Bố mẹ cũng dùng "thành tích" của con mình làm đòn bẩy nâng cao địa vị, danh dự trong xã hội nhờ vậy mà phát triển các mối quan hệ. Giáo viên, nhà trường thì vui vẻ với "thành tích" của con trẻ với các cuộc thi quốc tế (đôi khi chỉ dành cho các phụ huynh có tiền cho con đi học lớp nâng cao). "Thành tích" là một phần của các nước Nho giáo ngày xưa và khó có thể thay đổi (thật ra là không thể).
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.