Thời gian qua cộng đồng sôi sục tranh luận về võ cổ truyền Á Đông sau những trận thượng đài thua tan nát của các cao thủ võ lâm Trung Quốc với Từ Hiểu Đông, một võ sỹ MMA nghiệp dư.
Ngươì dè bỉu võ cổ truyền chỉ múa đẹp chứ chả có nghĩa lý gì trong thực chiến. Người thì nâng tầm lý luận khi biện minh học võ là để rèn luyện sức khỏe chứ không phải đi ganh đua lôi đài.
Theo tôi thì hai luồng ý kiến đều chưa chính xác. Trước tiên, nếu tính về ngày xa xưa, nâng cao sức khỏe không hẳn là yếu tố đầu tiên để sinh ra võ cổ truyền. Thời cổ đại con người sống gần gũi thiên nhiên thì thể lực đã khỏe sẵn rồi, chứ không như bây giờ toàn ngồi trong nhà bụng to, chân tay teo tóp.
Người xưa luyện võ trước là để đi săn bắt thú rừng, chiến đấu với thú dữ, sau là để kiếm sống bằng cách tỉ thí với nhau, xưng hùng thiên hạ. Người nào đen đủi sinh ra vào thời chiến tranh thì luyện võ là để sinh tồn, ra trận chém giết, lập công danh. Chả có ai luyện võ cực cao rồi chỉ nằm ở nhà.
Những cao thủ chỉ ẩn dật sau khi đã thành danh thiên hạ, hoặc chí ít là đã đạt mục tiêu kiếm đủ cho cuộc sống gia đình. Vì vậy võ cổ truyền sinh ra không phải để múa may cho vui mắt, mục đích xuất phát điểm cũng không phải chỉ để nâng cao sức khỏe, mà phải là để chiến đấu. Vậy thì tại sao các cao thủ võ cổ truyền Trung Quốc lại te tua, be bét đến vậy khi gặp một anh MMA nghiệp dư?
Vấn đề ở đây là đi lấy cái sở đoản của võ cổ truyền để đấu với sở trường của MMA. Võ cổ truyền sinh ra thời cổ đại, khi con người thỏa sức dùng binh khí hỗ trợ. Do vậy quyền cước chỉ là nền tảng đầu tiên để bước vào luyện võ, ngược lại MMA lại là môn võ chỉ chuyên về đấu tay không, không dùng đến binh khí.
Đọc lại lịch sử thì các chiến tướng võ nghệ cao cường, nổi danh thiên hạ đều phải nhờ vào một loại binh khí nào đó, chứ không ai tay không ra trận được cả. Nói vui một chút ngay đến Tề Thiên Đại Thánh võ nghệ vô địch thiên hạ, thần thông biến hóa khôn lường nhưng một khi đã bị yêu tinh trâu xanh cướp mất cây Gậy Như Ý rồi thì cũng phải dùng cân đẩu vân mà chạy cho nhanh.
Nếu ví dụ trực quan thì người xưa luyện quyền cước là để làm cái móng nhà dưới mặt đất, luyện binh khí là như xây công trình trên mặt đất. Ban đầu múa quyền cước có dẻo thì sau này điều khiển binh khí mới dễ dàng linh hoạt được. Ngày xưa quân đội tổ chức võ đài mới chỉ để tuyển người khỏe làm lính, còn để tuyển tướng thì phải đấu binh khí, cưỡi ngựa bắn cung.
Ngày nay thì không ai đấu nhau bằng binh khí lạnh nữa, chỉ tổ chức võ đài đấu chân tay như một môn thể thao giải trí. Chính vì lấy cái sở đoản tay không để đấu với sở trường của MMA trên võ đài nên võ cổ truyền bầm dập là chắc chắn rồi. Ngoài ra tính thực chiến còn phải kể đến môi trường, điều kiện thi đấu. Lại nói về Vịnh Xuân, phái võ này có thể nói là "mới" so với các môn phái võ cổ truyền khi hình thành vào đời Thanh, khi mà súng ống bắt đầu lên ngôi, vũ khí lạnh đang dần mất vị thế.
Chính vì thế Vịnh Xuân chú trọng nhiều hơn đến chân tay, tuy nhiên vẫn kịp cho ra lò các bài về vũ khí là côn và song đao. Có thể Vịnh Xuân tính thực chiến không cao bằng MMA trên võ đài. Nhưng nếu cho hai ông Vịnh Xuân và MMA gặp nhau ngoài đường, gậy gộc vất lung tung, thì chưa biết ông nào nhừ đòn đây.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.