Tôi có người anh họ đi làm ăn ở Trung Quốc mấy năm rồi, dịp Tết vừa rồi anh mới về thăm nhà. Anh bảo làng quê sau mấy năm anh đi làm xa về mà đã có rất nhiều điều thay đổi đến vậy, đường sá đẹp hơn, nhiều nhà cửa khang trang...
Nhưng có một điều ấn tượng nhất với anh là...nghĩa trang làng đã mở rộng với rất nhiều ngôi mộ bề thế. Anh hỏi ra mới biết là dù không có tiền thì nhiều gia đình cũng phải chạy vạy để xây mộ cho ông bà thật hoành tráng.
Kết quả là người sống đôi khi chẳng có ăn nhưng mộ phần thì cứ gọi là phải hoành tráng. Làng có hơn nghìn nóc nhà, chuyện "sinh, lão, bệnh, tử" là rất bình thường. Với hơn nghìn hộ gia đình (bằng một xã ở vùng khác) thì số người chết trong một năm là nhiều nên nghĩa trng mở rộng là hiển nhiên.
Dù quê tôi nổi tiếng hiếu học, trình độ dân trí cao, nhưng đám ma đa số vẫn còn ăn uống linh đình, nhiều hủ tục còn tồn tại. Dù đa số người chết được hỏa táng, nhưng mà mỗi ngôi mộ sau khi hỏa táng ít nhất cũng chiếm khoảng 3m vuông đất (chưa kể những ngôi mộ bề thế) thì 1000 ngôi sẽ là 3.000 m2, trong khi diện tích của làng chỉ gần 1 km2 (100.000 m2) vuông. Tính như vậy thì theo thời gian đất để chôn cất người chết sẽ không còn, người sống không biết sống ở đâu mất thôi. Một vấn đề quan trọng như vậy mà sao chính quyền không lên tiếng? – anh thắc mắc.
Ngược lại ở nơi anh làm việc (một địa danh bên Trung Quốc) mấy năm vừa rồi có quy định của chính quyền địa phương về việc ma chay rất ngặt nghèo: Nông thôn nhiều nơi cũng có nhà tang lễ cộng đồng giống như nhà tang lễ ở thành phố. Người chết buộc phải đưa tới nhà tang lễ và làm tang lễ ở đây, không ảnh hưởng đến người khác, rất là văn minh.
Thi thể không được chôn gây ô nhiễm môi trường, tốn đất, buộc phải hỏa táng. Tro cốt được quàn tại các ô nhỏ trong các khu nhà quàn cao tầng ở các nghĩa trang hoặc có thể rắc cho cốt xuống sông, chôn bài vị rồi trồng cây trên đó – hình thức mai táng theo kiểu: thụ táng (Thụ táng: còn gọi là lộ thiên táng, là đem tro xương của người chết chôn dưới gốc cây hoặc rải lên một khoảnh đất nào đó rồi trồng lên chỗ ấy một cây làm kỷ niệm. Thụ táng không có huyệt mộ, không có bia mộ, chỉ có một phiến đá đặt dưới gốc cây hay một miếng kim loại treo lên thân cây ghi họ tên, năm sinh, năm mất của người chết: Hiện nay thụ táng được xem là một trong những hình thức mai táng hiện đại nhất trên thế giới).
Anh kể rằng khi chính quyền nơi anh làm việc đưa ra những quy định ngặt nghèo về ma chay như vậy thì đã bị phản ứng dữ dôi vì văn hóa hàng nghìn đời nay của người Trung Quốc là ma chay phải tưng bừng, huyệt mộ phải hoành tráng... Tuy nhiên đến nay thì hỏa táng, thụ táng đã và đang trở thành tập quán rồi.
Anh bảo Hồng Kông có nghĩa trang ảo vì diện tích nhỏ, đến đất cho người sống còn khó khăn; còn dòng lược trích đầu tiên trong cuộc đời của cựu thủ tướng Sangapore Lý Quang Diệu là: hỏa táng vì không có đất để chôn. Anh mong rằng ở Việt Nam nên sớm học tập những điều tích cực của nơi anh làm việc bên Trung Quốc về vấn đề quan trọng là ma chay. Điều này góp phần quan trọng làm cho cuộc sống của người Việt chúng ta ngày một văn minh hơn.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.