Về độ tuổi nghỉ hưu, tôi đề nghị không nên hạn chế. Còn sức khỏe còn làm được việc thì vẫn tiếp tục làm việc. Có hạn chế là hạn chế chức vụ quan chức, theo đó quy định cấp chức nào giới hạn độ tuổi tối đa là bao nhiêu.
Vượt qua độ tuổi ấy thì thôi chức nhưng vẫn được làm việc hưởng lương nhân viên nghiệp vụ. Lương nhân viên nghiệp vụ cộng với lương hưu từ bảo hiểm nhân thọ là đủ sống rồi.
Viên chức già ngần ấy năm làm việc đã quen với công việc. Chúng ta có thể thấy doanh nhân có người làm việc đến tận 80-90 tuổi trong khi viên chức nghỉ hưu ở tuổi 60 rất hiếm người sống được đến 80 -90 tuổi.
Rời khỏi môi trường làm việc quen thuộc ngần ấy năm là bị buộc phải từ bỏ một loạt thói quen sống đã ăn sâu vào họ từ lâu. Nhiều người không thích nghi được và chết sớm.
Sáng sớm thức dậy đánh răng rửa mặt mặc đồ chỉn chu xong mới nhớ mình đã nghỉ hưu, rồi cả ngày loanh quanh chả biết phải làm gì ở nhà. Đi làm còn có người nọ người kia để nói chuyện, có công việc để làm, có khó khăn để giải quyết, có người xin tư vấn...
Ở nhà không có việc gì để làm, không có cháu chắt để trông nom, hàng xóm ai cũng đi làm hết, không có ai để nói chuyện, để quan hệ công việc. Rất nhiều viên chức nghỉ hưu xong chết sớm là do vậy. Với người già, còn sức khỏe, công việc mới chính là cái giúp họ kéo dài tuổi thọ, hơn bất cứ sự chăm sóc y tế nào.
Chăm sóc y tế chẳng qua là sức khỏe thân thể thôi, có sống lâu được hay không phụ thuộc rất lớn vào tinh thần. Tinh thần mạnh khỏe thì thân thể ít bệnh và ngược lại. Còn làm việc thì khả năng bị mất trí nhớ, lẫn do tuổi già sẽ thấp hơn.
Nghỉ hưu với rất nhiều người, là tai nạn không tương xứng với chữ "nghỉ". Ở độ tuổi này, làm việc không phải để kiếm tiền, để thăng tiến mà là để sống lâu và nhất là không có cảm giác mình trở thành người thừa của xã hội.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.