Cuối cùng những quyển sách cũng đã được đóng gói và chuẩn bị giao tới tay những người thực sực cần nó. Một số bạn hỏi tôi sao lại cho sách đi, không giữ lại mà đọc, tốn tiền mua sách như vậy mà sao không bán rẻ lại, sao mà "silly" thế.
Trong Kim Cương kinh có câu "Việc làm đầu tiên khi bạn đi qua con sông là bỏ lại chiếc thuyền". Bạn không thể mang chiếc thuyền di chuyển theo bạn trên hành trình còn lại. Nếu bạn mang nó theo thì bạn sẽ bị mất sức lực và không thể di chuyển xa được, chiếc thuyền kia cũng mất đi mục đích tồn tại của nó chính là đưa người qua sông. Thêm vào đó, người tiếp theo cũng sẽ không có thuyền mà qua sông. Dù lí do gì nữa, giữ lại cho riêng bạn đó là sự ích kỉ.
Mỗi thứ tồn tại điều có riêng mục đích của nó, mục đích của quyển sách là truyền tải cho bạn thông điệp của tác giả, chia sẻ quan điểm, kiến thức, kinh nghiệm sống, hướng dẫn bạn một điều gì đó, hoặc đơn giản là lên dây cót tinh thần cho bạn. Sau khi bạn đọc và tiếp thu những tinh túy ấy, vận dụng và biến kiến thức ấy thành của mình, đến lúc này, quyển sách đã hoàn thành "nhiệm vụ" đối với bạn, bạn phải chia sẻ quyển sách cho người cần nó, giống như bạn để lại chiếc thuyền cho người qua sông tiếp theo chứ không mang nó theo bạn.
Tôi đã thấy rất nhiều người đã "tiêu hóa" xong những quyển sách, lại giữ lại những quyển sách ấy chỉ với mục đích là trang trí trong nhà hoặc đơn giản là "khoe" những gì mình đã đọc được. Khi giữ lại/sở hữu, bạn sẽ có cảm giác hạnh phúc tức thời (instant happiness) và thỏa mãn tạm thời (temporary satisfaction). Xét ở một khía cạnh nào đó sở hữu sẽ có nhiều phiền muộn, sở hữu càng nhiều thì phiền muộn càng nhiều. Có lẽ vì thế, đạo Phật luôn lúc nào đề cao sự vô sản và sự cho đi. Is it reasonable? Anyway, don’t keep a book by its cover.
Bạn lại hỏi: Nhưng sách là của mình, mình dùng tiền mình mua, mình có quyền bán nó chứ? Sao lại cho đi?
Đúng vậy, sách là của bạn, bạn có toàn quyền với nó. Tuy nhiên, mình sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện này.
Biển hồ Galilee nằm ở Isarel, chảy qua ranh giới giữ Isarel và Jordan, đổ một lượng lớn nước vào dòng sông Jordan, nước theo dòng sông vào đến hạ nguồn. Tại hạ nguồn, nước được giữ lại hoàn toàn và không chảy đi bất cứ nơi nào khác, nơi này còn có một cái tên gọi rất dễ thương – Biển Chết (Dead Sea).
Bạn sẽ thấy điều đặc biệt ở đây, dù một lượng lớn nước "mất" đi hàng ngày, tuy nhiên môi trường sinh thái của hồ nước Galilee quanh năm luôn lúc nào cũng phát triển, động thực vật đa dạng chạy dọc theo con sông Jordan. Đến Biển Chết, dù giữ lại tất cả lượng nước, tuy nhiên môi trường xung quanh không động thực vật nào có thể sinh sôi nảy nở và độ mặn của hồ nước này đứng đầu thế giới. Do ngày nào cũng tiếp nhận một lượng muối lớn như vậy mà không chịu đào thải, mặn chắc chết, vì thế tên gọi Biển Chết cũng xuất phát từ đó. Ở miền tây của mình cũng vậy, những ao hồ mà giữ nước lại gọi là "ao tù nước đọng", theo thời gian nơi đây bạn sẽ không thể nuôi trồng loại thủy sinh nào.
Đó là quy luật tự nhiên, cho đi không phải là mất đi mà là có chỗ trống cho những thứ tốt hơn, vĩ đại hơn. Cái bạn cho đi không phải là quyển sách mà là giá trị nằm trong quyển sách. Bạn trong tương lai muốn phát triển lên tới mức độ cao hơn của bạn hiện tại thì chỉ có cách bạn phải cho đi. Lúc đầu tôi định tặng nó cho thư viện nhưng tìm mãi không thấy cái thư viện nào phù hợp ở chỗ gần nơi mình ở, lại không có thời gian nhiều để tìm kiếm cái thư viện phù hợp ở nơi khác, nên mình tặng nó cho bạn nào cần, với hi vọng sau khi đọc xong bạn sẽ chia sẻ những kiến thức quý giá đó. Đây cũng là lần thứ tư tôi tặng đi những quyển sách trong vòng bốn năm.
Nghe mình nói một hồi thắng bạn mình ngủ gục lúc nào không hay, nên nó không hỏi nữa. Mừng hết sức.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.