Mới đây, tôi đọc thông tin về một dự thảo nhằm ngăn chặn tình trạng nịnh bợ sếp. Thông tin khá thú vị trong bối cảnh người ta, tuy không nói ra, ghét cay ghét đắng thói nịnh bợ, lấy lòng để đạt được nhiều lợi ích.
Ai mà không ghét kẻ nịnh bợ. Khi mà tài năng giới hạn nhưng vẫn đạt được gì đó bởi hành vi không mấy gì tốt đẹp. Nhưng cái khó là lấy gì để phân biệt nịnh bợ? Điều đó liên quan đến tính cách và phần nào đó là đạo đức của nhân viên và sếp, khó có thể cân đong như bài toán 1+1=2. Đôi khi người ta thừa biết ai đó nịnh sếp nhưng không dám nói ra, chỉ âm thầm tức trong bụng. Sau khi tức giận, người ta cũng đành xã giao, ngậm bồ hòn làm ngọt với nhau. Cơ quan xảy ra hiện tượng "bằng mặt nhưng không bằng lòng".
Tôi còn nhớ cách đây khá lâu, khu vực tôi ở có một nơi mà người ta nghiễm nhiên coi là bãi đổ rác của nhà mình. Ban đầu là một vài nhà đổ, sau đó thành quen rồi nhiều người cũng đem rác ra bỏ ở đó. Rác ngày càng nhiều, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Sau đó, chính quyền địa phương cũng chỉ đạo dọn rác và cho cắm lên đó một tấm biển Cấm Đổ Rác, người vi phạm bị phạt 5-7 triệu đồng.
Tình trạng khá hơn sau vài tuần, nhưng thói quen vẫn khó bỏ. Lại một vài nhà đổ rác, rồi nhiều nhà hơn... Bởi khu đất đó nào của riêng ai, mà ai chứng minh được người ta đổ rác, khi họ đổ vào sáng sớm và không ai đứng ra điểm mặt một ai. Tình trạng chỉ chấm dứt khi một bác lớn tuổi nghiêm khắc đứng ra "lãnh đạo" cả tập thể gồm nhiều hộ gia đình. Ai vi phạm là bị thông báo và nhắc nhở ngay. Người ta cũng dần xấu hổ mà bớt bỏ rác. Có người bực lắm nhưng vì thể diện nên cũng tỏ ra văn minh lịch sự, người nọ noi theo người kia mà đem rác bỏ vào thùng.
Câu chuyện đổ rác cũng giống chuyện nịnh bợ nơi công sở. Ai cũng ghét nhưng không có bằng chứng để tố cáo thì chuyện sai cứ kéo dài mãi, lan ra cả cộng đồng. Phải đến khi có người lên tiếng ngăn chặn thì sai phạm mới chấm dứt.
Ngoài ra, tôi không hiểu sao lại ngăn chặn hành vi nịnh bợ của nhân viên. Bởi cấp dưới muốn sếp vui lòng thì có gì là sai? Vấn đề là văn hóa của người lãnh đạo, cái tâm của người lãnh đạo. Ở đâu lãnh đạo thích nịnh thì sự nịnh hót và lấy lòng lên ngôi. "Trời không đổ mưa, sao nấm trong vườn mọc?", cái gì cũng bắt nguồn từ môi trường thuận lợi cho sự "nịnh" lên ngôi.
Tôi không nghĩ rằng cứ nghiêm cấm là sẽ hiệu quả và cũng không nên tập trung đánh giá vào nhân viên. Hãy xem văn hóa và tư chất của nhà lãnh đạo. Nếu sếp ngăn chặn không cho sự "nịnh" diễn ra, thì sao họ phải làm vậy? Bởi đi làm đã vất vả, chẳng ai muốn mệt trí, hao tâm để nịnh bợ làm gì.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.