Xung quanh ý kiến cho rằng 'hạn chế ôtô cá nhân sẽ làm mất nguồn thu từ các loại phí như trước bạ, đăng kiểm, biển số...', độc giả Toàn Trịnh chia sẻ:
Hạn chế thì cần và phải hạn chế hết tất cả các loại phương tiện giao thông cá nhân, bao gồm ôtô, xe gắn máy, xe thô sơ thì mới mong các phương tiện giao thông công cộng ở Việt Nam có cơ hội phát triển.
Nguyên lý của phát triển giao thông đô thị là tăng hệ số mặt đường, tăng phương tiện công cộng, giảm đi và tiến đến xóa bỏ phương tiện cá nhân. Ở khu vực trung tâm thì khuyến khích người dân đi bộ. Muốn vậy thì cần:
Thứ nhất, tăng hệ số mặt đường bằng cách giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích lề đường, lòng đường, xử lý triệt để hành vi lấn chiếm lòng, lề đường; tăng tầng giao thông công cộng, tách riêng tầng giao thông cá nhân.
Thứ hai, tăng phương tiện công cộng bằng cách mở tuyến giao thông công cộng phủ khắp đô thị, tăng số lượng phương tiện giao thông công cộng. Đồng thời giảm thiểu tình trạng trùng lặp tuyến trên cùng một tuyến đường, tăng mật độ phương tiện của mỗi tuyến ở đô thị; giảm phí sử dụng, tiến tới miễn phí.
Thứ ba, giảm phương tiện giao thông cá nhân bằng cách: cấm lưu thông, cấm đăng ký mới; thu thuế đặc biệt cao, thu phí sử dụng mặt đường rất cao; xây dựng văn hóa và chính sách "phân biệt đối xử" người sử dụng phương tiện cá nhân ở đô thị, trừng phạt nghiêm khắc người vi phạm quy định cấm/ hạn chế phương tiện cá nhân, nhất là người làm việc tại các cơ quan Nhà nước.
Muốn 10, 15, thậm chí 50 triệu người sống chung với nhau, chỉ có một con đường là tạo nên một cộng đồng, chứ không phải là giao thoa từng ấy cá nhân với nhau. Nếu để giao thoa, sự chồng lấn sẽ "giết chết" mọi người, bắt đầu từ tâm lý bức xúc và đành hanh với người bên cạnh.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.