Việc tác giả đề án làm 34 trạm thu phí lấy Thụy Điển, Singapore làm hình mẫu để học hỏi đang gây tranh luận trái chiều trên VnExpress. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần xây dựng hạ tầng giao thông và đô thị bằng các nước bạn trước khi nghĩ đến chuyện học cách thu phí vào trung tâm thành phố:
Cứ nói là học Thụy Điển và Singapore nhưng áp dụng chỉ có một phần. Như ở Singapore, hệ thống thu phí tự động ERP đúng là hạn chế xe ôtô cá nhân vào trung tâm, tuy nhiên còn có hai mục đích khác:
1. Khuyến khích chọn đường khác: Như từ Phú Nhuận qua quận 7 không đi xuyên qua quận 1. Thời gian đi không qua trung tâm sẽ dài hơn nhưng tiết kiệm được tiền hơn. Vậy cho hỏi với điều kiện hiện tại, có thể đi từ tất cả các quận này qua quận khác mà không qua trung tâm được không? Hay là phải đi thêm 30-40 phút, nếu thời gian đi quá lâu thì chẳng ai dại gì đi xa như vậy.
2. Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng như xe bus, tàu điện ngầm hay đi bộ. Nhưng với hệ thống công cộng như hiện giờ ở Việt Nam thì đi bằng niềm tin.
Nếu đã có phương án thì làm mọi thứ cùng một lúc cho có sự đồng bộ như Singapore đang làm, chứ cấm thì chẳng khá hơn được gì.
David
Cứ thích học từ Tây - Âu mấy cái triển khai bề nổi. Cái cần học đó là cơ cấu điều hành giao thông, xây dựng hạ tầng cơ sở, phân bố dân cư, đô thị, công nghiệp... Những con đường thường xuyên ngập, ổ gà, ổ voi, đào bới công trình liên tục thì anh khỏi cấm người ta cũng không vào. Nói vậy không phải khuyến khích đào nát đường. Học thì học ở Tây Âu cách họ xây đô thị, họ làm hạ tầng sao để tồn tại bấy lâu không ngập úng, không đào lên lắp xuống để kéo thêm dây, xây thêm cống... Phân bố dân cư đô thị, công nghiệp sao cho quốc lộ là cái đường chạy nhanh để phát triển kinh tế chứ không phải toàn mấy nét phấn vẽ hình nạn nhân giao thông hết vụ tai nạn này đến vụ tai nạn khác vì dân cư toàn bám dọc bên đường mà sinh sống.
Kevin Tũn
Nhà quản lý cứ nói là học kinh nghiệm của nước ngoài. Tuy nhiên, áp dụng việc thu phí đó ở nước ngoài người ta thực hiện trong điều kiện, hoàn cảnh nào thì không thấy nói đến. Ví dụ quản lý quy hoạch của họ ra sao, quản lý hành chính của họ thế nào, thuế nhập khẩu với phương tiện, thu nhập của người dân, sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông công cộng... Singapore thu phí vào nội đô khi hệ thống giao thông công cộng rất hoàn thiện và các biện pháp về quản lý hành chính, quy hoạch đã làm rất hiệu quả. Còn ở Việt Nam, khi các giải pháp khác làm không tốt thì bắt đầu làm nảy sinh giải pháp cấm và thu phí.
Học cách thu phí của Singapore, Thụy Điển nhưng không nhìn xem phương tiện công cộng của họ so với mình thế nào? TP HCM nói về phương tiện công cộng chỉ có mỗi xe buýt, mà lượng xe buýt hiện nay vừa cũ, vừa không đủ cho dân dùng, chẳng hề có subway, metro gì cả. Nếu có metro, dân họ chả cần dùng xe máy làm gì. Lúc đó tăng phí ôtô cũng chưa muộn. Giờ mà lập trạm thu phí vòng quanh nội thành khác nào tăng các điểm kẹt xe cho trầm trọng thêm.
Cái gì cũng học từ nước giàu trong khi hệ thống giao thông công cộng thì không có như họ và thu nhập của người dân thấp hơn hàng trăm lần. Tôi sẵn sàng đóng phí nếu nguồn thu đó được đầu tư vào hạ tầng giao thông công cộng.
Tại sao không học Singapore về việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh rồi hãy thu phí. Tôi nhà ở Tân Bình, đi làm ở quận 7, không đi ngang qua trung tâm thì đi đường nào bây giờ? Tôi rất muốn có tuyến xe buýt hay tàu điện ngầm để đi nhưng tìm ở đâu ra? Nên có thu phí kiểu gì thi tôi cũng phải đi thôi.
Singapore là quốc đảo có hạ tầng giao thông công cộng đô thị cực tốt, người dân có thể lựa chọn các phương tiện công cộng vào phố mà không nhất thiết phải dùng phương tiện cá nhân. Trong khi điều kiện của Việt Nam rất khác nên việc học tập và áp dụng kinh nghiệm của Singapore là không phù hợp, khó để mang lại hiệu quả, không cẩn thận lại làm phức tạp thêm vấn đề như phân làn hay xe bus BRT.
Hãy học Thụy Điển, Singapore để xây dựng hạ tầng giao thông và đô thị bằng họ cái đã rồi học cách thu phí vào trung tâm thành phố sau. Không đi tắt kiểu này được đâu.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.