Tôi mới có đọc qua bài viết "Lịch sử không quan trọng bằng nhiều môn học khác". Bản thân tôi cũng thấy đồng tình với tác giả rằng giới trẻ bây giờ quan tâm tới việc làm, những thứ thiết thực nhiều hơn và cũng không thể phủ nhận rằng kẻ đi sau luôn giỏi hơn người đi trước.
Giới trẻ bây giờ năng động bắt nhập với xu thế nhanh trước rất nhiều. Họ sinh ra trong thời đại công nghệ thông tin và quá trình toàn cầu hóa. Rồi họ cũng sẽ trở thành công dân toàn cầu nhưng thử hỏi, con người toàn cầu không biết gì về cội nguồn của mình có được không?
Thực tế rằng việc giảng dạy môn lịch sử trên các giảng đường đang làm cho nhiều học sinh, sinh viên thực sự mệt mỏi từ cả hai phía. Cũng bởi lối quan niệm rằng sử là phải thuộc, ghi chép, truyền tải thông tin một chiều và thiếu tính trải nghiệm nên nó trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người.
Và tôi cũng thấy rằng một phần là do nhu cầu của xã hội về định hướng nghề nghiệp mà các bạn trẻ xa rời môn Lịch sử. Kèm theo đó cũng phải kể đến văn hóa đọc của giới trẻ khi phần lớn sách trên thị trường là tiểu thuyết, sách help-yourself lại ít sách lịch sử.
Cũng phải kể đến điện ảnh, truyền thông chúng ta có quá ít những bộ phim cổ trang. Trong khi phim nội quá ít ỏi thì phim ngoại lại có quá nhiều dẫn đến trường hợp "sử ta chưa tỏ sử người đã thông".
Cũng không trách riêng gì giới trẻ mà phần lớn xã hội chúng ta đang dần bỏ qua Lịch sử, chúng ta đang đi quá nhanh đầy vội vã trên dòng chảy mưu sinh. Chỉ còn những người thực sự yêu sự mới đủ kiên nhẫn với nó.
Những thực sự bạn có hiểu tầm quan trọng của nó? Tôi lấy hai câu thơ này trong tác phẩm "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi tác phẩm rất thân thuộc với nhiều thế hệ học trò. "Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương" .
Có mấy ai đọc xong hai câu này mà đặt câu hỏi "nước ta có thời Triệu à không?" hay "thời Triệu ai là vua?" không. Có bạn nào tự hỏi để có ngày hôm tổ tiên ta đã phải trải qua những gì? Lịch sử đó ở quanh bạn. Bạn học sử để bảo vệ biên thùy, bờ cõi non sông của ta.
Chẳng phải sách Tây, sách Tầu mới cho bạn những bài học quý giá về con người, chẳng cần cuốn help-yourself này đến "Đắc nhân tâm" nọ mới dạy bạn về sử thế và trưởng thành. Lịch sử nước ta chẳng kém ai, lịch sử long đong, lận đận khi thịnh khi suy, từng có thời chèo chống cả dòng chảy lịch sử nhưng lại là thứ người đời dễ bỏ qua. Thời không chịu thế thì thế đành chịu thời.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết tại đây.