Sau bài viết Người bất lịch sự mới hỏi chuyện riêng tư ngày Tết, VnExpress nhận được nhiều ý kiến, bình luận của độc giả cho rằng bài viết này của tác giả Cát Hồng có góc nhìn hơi khắt khe, đồng thời cho rằng nên cởi mở và thông cảm hơn với những câu hỏi mang tính chất đời sống cá nhân, vì người hỏi chỉ muốn trò chuyện, xả giao:
Tôi nghĩ các bạn không nên quá cực đoan để những tình huống thế này làm mất vui dịp Tết. Thay vào đó mình chỉ cần dùng khiếu hài hước trả lời thôi như: "dạ con làm đâu được tỷ mấy á, mà cho mười mấy năm...", "sao ko dẫn người yêu về ra mắt" thì trả lời: "Trời ơi, đang trốn muốn chết thằng nào/con nào cũng xin về hết mà chưa biết chọn đứa nào mệt chết được" hoặc "dẫn nó về lỡ mình bỏ nó rồi nó biết nó về ăn vạ hàng xóm đánh giá sao".
Nếu bạn 20, 25 tuổi, những câu hỏi xã giao như vậy thì là bình thường, thậm chí thấy vui vvì họ quan tâm mình. Cũng câu hỏi ấy mà bạn 27, 30 tuổi thì lại thấy vô cùng khó chịu. Nếu bạn cho những câu hỏi đó là không văn minh, bất lịch sự thì e rằng gần như ai cũng như vậy.
Việt Nam ta là văn hóa làng xã, quan tâm kiểu xã giao vậy là bình thường thôi, đừng nghĩ quá nặng nề vậy. Thử hỏi bạn về quê và đến nhà ai chơi (hoặc ai đến nhà) thì mọi người nói chuyện gì. Chẳng lẽ chào hỏi nhau xong rồi thôi, hay nói chuyện thời sự thế giới, hay khí hậu biến đổi.
Bạn đến nhà nói chuyện về một đứa trẻ bạn hỏi tên, tuổi, học lớp mấy có giỏi không ...thì có thực sự là bạn quan tâm? Như vậy cũng là bất lịch sự, không văn minh? Cứ vô tư thoải mái thì nó dễ chịu hơn nhiều, đời sẽ tươi hơn. Còn mấy cái hỏi về thu nhập mà bạn cũng nặng nề như vậy thì e rằng hơi khó tính. Thiếu gì cách trả lời để xoay chuyển cuộc nói chuyện.
Đồng ý là thật không vui chút nào khi được hỏi những chuyện riêng tư nhạy cảm như vậy. Nhưng nói bất lịch sự thì hơi quá đáng.
Dù người hỏi có thân hay không thân với gia đình và có ăn nhập đến cuộc đời của mình không thì bạn cũng nên trả lời từ chối nhẹ nhàng, lơ qua chuyện khác hoặc tốt hơn nữa nên dí dỏm hóm hỉnh cho hợp với không khí tết, tránh mất hoà khí. Càng trả lời thẳng và có ý phản kích lại hoá ra dừng lại chừng vài lần chứ không giải quyết ngọn nguồn được.
Bạn cứ vui vẻ với mức lương và tình trạng hôn nhân của mình. Khi đó bạn sẽ có câu trả lời lắt léo tránh né hay hơn. Nếu mình cảm thấy thật sự không hài lòng, không thích bị hỏi thì nên trả lời chung chung thì người hỏi thấy chán cũng không hỏi nữa.
Ở quê tôi mọi người cũng hay hỏi những câu như thế, đó là thói quen từ xưa. Những ai đi làm xa, được tiếp xúc và học hỏi thì sẽ thay đổi nhưng nhiều người chỉ quanh năm bên làng bên xóm, họ vẫn giữ thói quen đó, đôi khi họ hỏi chỉ để thể hiện sự quan tâm tới người khác, một số ít hỏi để lấy làm câu chuyện. Tôi nghĩ chúng có thể thông cảm, đừng nặng nề quá, nghĩ thoáng thôi, ai hỏi thế bạn thích thì vui vẻ trả lời, không thì cười xòa làm vui.
Bạn đứng ở hệ quy chiếu nào để phê phán người ở quê, người lớn tuổi là bất lịch sự khi hỏi sâu về đời tư của bạn? Đến tận nay, về vùng quê người lớn vẫn hỏi: " Ăn cơm chưa cháu? Ăn no không? Có gì ngon không? ". Đó là phản xạ của một thời nghèo đói triền miên, không có gì là bất nhã cả.
Người làng quê sống trong một cộng đồng khép kín (ngày xưa) nên trong cộng đồng đó, người cao tuổi mặc nhiên xem tất cả là con là cháu, việc một cụ già hỏi sâu về đời tư là một kiểu quan tâm, với họ không có gì sai hết. Ngày trước, thành viên nào bị bỏ mặc không ai hỏi đến, tệ hơn là bị trục xuất thì đúng là bi kịch.
Lứa trẻ về sau tiếp xúc với văn hóa phương Tây luôn đề cao tự do cá nhân nên khó chịu khi bị hỏi sâu về đời tư, không phải là sai, nhưng cũng đừng vì vậy mà quá căng thẳng với người ở làng quê. Tôi cho là nên cởi mở hơn thì tốt hơn.
>>Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.