Hãy đọc câu chuyện của chúng tôi 11 năm trước, khi từng bị cách ly và cùng nhau vượt qua đại dịch cúm H1N1. Đó là hành trình tốt nghiệp của các sinh viên trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Du lịch Sài Gòn. Chuyến đi kéo dài từ 26/7/2009 đến 16/8/2009.
Ngày 8/8, theo hành trình từ Sa Pa về Lào Cai, chúng tôi đã thăm quan, học tập tại biên giới Hà Khẩu – Trung Quốc. Chiều hôm đó, khi trở về Việt Nam, có 10 em sinh viên bị sốt, đau nhức, khó thở, chúng tôi đưa các em vào bệnh viện Lào Cai để khám. Các bác sĩ sau khi thăm khám, xét nghiệm và chuẩn đoán 10 em sinh viên đó đã bị nhiễm H1N1, phải tiến hành cách ly. Những thời đó không phải như bây giờ, công nghệ thông tin chưa phát triển mạnh, sinh viên và giáo viên cũng không có nhiều smartphone như ngày nay. Muốn biết H1N1 là gì quả thật khó khăn, tất cả chỉ trông cậy và làm theo hướng dẫn của bác sĩ.
>> Tôi đang ở Đức, không đeo khẩu trang
Để đảm bảo an toàn cho các em và phòng chống lây lan của dịch, bệnh viện Lào Cai lên phương án giữ lại 10 em sinh viên đã bị nhiễm dịch để điều trị và cách ly. Vì điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện Lào Cai không đủ cho các em còn lại nên chúng tôi phải tiến hành đưa 175 em còn lại về Hà Nội để xét nghiệm và cách ly tốt hơn. Chúng tôi theo hướng dẫn của các bác sĩ bệnh viện Lào Cai, không dừng dọc đường, ăn mỳ gói sống và chỉ dừng vệ sinh ở những chỗ vắng người.
Đến Hà Nội, chúng tôi nhận phòng nghĩ ngơi tại nhà khách. Chúng tôi được thông báo cách ly ngay sau đó. Nội bất xuất ngoại bất nhập. Tôi được một người đại diện đến đưa cho 20 chai nước rửa tay và 200 khẩu trang y tế, 4 cái nhiệt kế, 10 chai nước súc miệng và một lời dặn dò "có ai sốt thì gọi điện báo ngay".
Là một giáo viên hướng dẫn, tôi đã trở thành một bác sĩ, đầu bếp, bảo mẫu... bất đắc dĩ từ lúc này. Suốt ba ngày liên tiếp, thứ mà tôi nhận được là một cuộc điện thoại từ cơ quan đại diện y tế của quận Cầu Giấy hỏi: "Hôm nay có ai sốt không, có biểu hiện khác thường không?". Đến nửa đêm thứ tư, có hai sinh viên bị sốt cao. Dù đã dùng mọi cách liên lạc với cơ quan y tế nhưng không liên lạc được, tôi cùng một giáo viên hướng dẫn khác trong đoàn bắt taxi đưa hai sinh viên đến bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để cấp cứu. Không có tiền ứng viện phí, chúng tôi đã phải đưa hai em trở lại nhà khách, chờ sáng hôm sau tính tiếp.
Cũng từ lúc này mọi việc trở nên căng thẳng, tôi chỉ biết gọi điện thoại đường dài đến các bác sĩ ở Lào Cai, các cơ quan ngôn luận, báo chí để cầu cứu. Từ lúc báo chí lên tiếng, các cơ quan, ban ngành đã quan tâm đến chúng tôi nhiều hơn. Chúng tôi đã có thêm nước rửa tay, khẩu trang và ngày thứ năm cách ly tại Hà Nội chúng tôi được lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ cho cả đoàn, thuốc uống và các vật dụng phục vụ cho công tác cách ly điều trị.
Ngày thứ tám, những sinh viên âm tính với H1N1 sau khi có kết quả xét nghiệm được lên xe về lại TP HCM. Chỉ còn 34 sinh viên và một giáo viên hướng dẫn dương tính ở lại tiếp tục cách ly điều trị. Gần 20 ngày còn lại, cứ 4h sáng, chúng tôi dậy tự nấu ăn sáng cho sinh viên, chia khay mỗi bạn một phần, đưa đồ ăn lên từng phòng, đo nhiệt độ cho từng bạn, nhắc quy trình cách ly rửa tay, súc miệng và uống thuốc theo hướng dẫn.
Khoảng 9h, chúng tôi xuống cổng nhận thực phẩm rau, thịt, cá... và thanh toán tại quầy bảo vệ. Sau đó, chúng tôi đi thu khay chia đồ ăn để rửa, phơi, làm rau, làm cá... chế biến thực phẩm nấu ăn trưa và tiếp tục chia phần cơm và lại đem lên từng phòng, cặp nhiệt kế cho từng em, dặn dò rửa tay, súc miệng, chia thuốc và cuối cùng lại gom khay.
Khoảng 14h, chúng tôi được nghỉ 30 phút rồi lại bắt công việc tương tự cho bữa cơm tối. Vậy mà thầy trò chúng tôi đã cùng nhau vượt qua18 ngày cách ly đó. Sau những lần xét nghiệm, tôi vẫn âm tính với dịch, thật may mắn khi ông trời ban cho tôi sức khỏe để cùng các em chiến đấu lại đại dịch H1N1. Mỗi tuần chúng tôi được lấy mẫu xét nghiệm một lần và sau 18 ngày, chỉ còn năm em phải tiếp tục cách ly. Các bạn khác được về lại TP HCM. Năm bạn còn lại và tôi được chuyển tới bệnh viện Đống Đa cách ly thêm 10 ngày nữa.
Đoàn chúng tôi rất đông nhưng đã chấp hành hướng dẫn cách ly nên tất cả đã cùng vượt qua đại dịch và may mắn không làm gây nhiễm cho cộng đồng và không có bất cứ một trường hợp nào đáng tiếc xảy ra. 39 ngày kể từ ngày khởi hành cho chuyến thực hành cuối khóa (tour xuyên Việt), trong đó 10 ngày cho chuyến đi và 29 ngày cách ly cho dịch cúm H1N1. 11 năm đã qua từ ngày đó nhưng năm nào đến ngày này tôi cũng nhớ lại những khoảnh khắc đó.
Dưới đây là một số kinh nghiệm mà chúng tôi có được khi phòng dịch cúm H1N1:
- Rửa tay, súc miệng thường xuyên.
- Để tâm lắng nghe sức khỏe của chính bạn.
- Sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc với bất cứ ai chứ không chỉ môi trường đám đông.
- Không khạc nhổ nơi công cộng
- Quay mặt lại khi ho, hắt xì và đồng thời dùng tay che miệng kể cả khi đang dùng khẩu trang.
- Rửa tay, súc miệng sau khi đi thang máy.
- Khi đi xa và tiếp xúc với đám đông về: tắm rửa sạch sẽ, xúc miệng, rửa tay sau đó mới tiếp xúc gần với người thân.
- Phơi khăn tắm và vật dụng cá nhân khô ráo sau khi sử dụng.
- Bỏ khẩu trang y tế cẩn thận vào thùng rác không vứt lung tung, tự tiêu hủy được thì tốt.
- Với khẩu trang vải thì giặt lại phơi khô vẫn có thể sử dụng trong tình hình khan hiếm khẩu trang y tế, nhưng tuyệt đối không được dùng chung khẩu trang.
- Khi phát hiện sức khỏe có dấu hiệu bất thường và biểu hiện của nhiễm dịch phải hạn chế tiếp xúc, bình tỉnh tìm sự trợ giúp của các cơ quan hổ trợ phòng chống dịch tại địa phương gần nhất và tuân theo chỉ định của các cơ quan trên.
- Không có việc quá cần thiết, hạn chế ra ngoài, hạn chế tiếp xúc đám đông.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.