Ai có dịp đi ngang Xa lộ Hà Nội hướng từ Biên Hoà vào trung tâm thành phố đoạn gần cầu vượt Suối Tiên (đối diện khu du lịch Suối Tiên, quận 9, TP HCM) đều phải căng mình đối phó "trận địa" xe buýt. Bởi nơi đây là bãi đón, trả khách của nhiều xe buýt thuộc các tuyến 30, 50, 99, 150 và các xe khách đường dài.
Mỗi khi những "ông thần" này dàn trận để rước khách, dòng người đi xe máy bị nghẽn chậm lại, có khi phải dừng hẳn. Một số người liều mạng thì luồng lách tạt đầu xe lớn, hoặc chạy ra làn ôtô, rất nguy hiểm.
Nguy cơ xảy ra tai nạn tại địa điểm này là rất cao, đặc biệt là vào lúc sáng sớm vì thời điểm này có rất nhiều người đi vào trung tâm thành phố làm việc. Xuôi vào đến cầu Sài Gòn, có nhiều trạm xe buýt và ngã tư như thế.
Xa lộ Hà Nội rộng mà người đi xe máy còn vất vả, khổ sở như thế thì thử hỏi những con đường ở trung tâm thành phố, cuộc chiến giành đường của người đi xe máy và xe buýt còn "khốc liệt" đến nhường nào.
>> 'Virus' xe máy đã tàn phá đô thị Việt Nam như thế nào
Một tuần trước, ngày 26/9, một tài xế xe buýt sau khi cho xe chạy sát lề, ép người đi xe máy bị nhắc nhở đã bóp còi inh ỏi, phun nước bọt, thách thức người đi đường. Đây chỉ là ví dụ, thực tế còn rất nhiều mâu thuẫn giữa xe buýt, ôtô và xe máy xảy ra như thế mỗi ngày.
Trừ những con đường to rộng như Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt, Trần Hưng Đạo..., những con đường trung tâm thành phố đều nhỏ, hẹp, chiều rộng chỉ vừa cho một chiếc xe buýt chạy.
Có thể nói, những tuyến đường này như một manh áo chật chội, nhưng ta lại nhét vào đó nào là xe buýt, xe máy, ôtô... Điều đáng nói là "cơ thể" xe máy và ôtô ngày càng phình to dần theo từng năm. Chiếc áo chật chội này không thể rộng ra, vì vậy những "cơ thể" ở phía trong phải chen chúc, phải nhồi nhét để có cho mình một vị trí.
Chính vì chiếc áo không thể rộng ra nên ta phải chọn, hy sinh giữa xe buýt (đại diện cho phương tiện giao thông công cộng) và xe máy, ôtô (đại diện cho xe cá nhân). Theo tiến trình phát triển của một đô thị, muốn có môi trường sạch đẹp, văn minh thì phải phát triển giao thông công cộng. Vì thế theo tôi, để giải quyết vấn đề này cần mạnh dạn và làm nhanh những điều sau đây:
1. Cấm xe máy, ôtô cá nhân vào trung tâm thành phố.
2. Hoàn thành thật nhanh tuyến Metro Bến Thành- Suối Tiên, sớm đưa vào sử dụng.
3. Xây dựng và phát triển xe buýt nhanh.
Còn một quý nữa là khép lại năm 2019, thế nhưng ở Sài Gòn vẫn còn tồn tại những hành vi thiếu văn hóa giao thông, những xung đột giữa xe buýt- xe gắn máy- ôtô vẫn xảy ra và ngày càng trầm trọng hơn. Những người sinh sống và làm việc ở thành phố này đã bị nạn kẹt xe, phải gồng mình ứng phó với các tình huống nguy hiểm trên đường mỗi buổi sáng đến công ty và mỗi buổi chiều về nhà. Năng lượng sống tích cực dường như đã bị triệt tiêu, nhường chỗ cho những cáu giận, nổi nóng trên đường. Chúng ta còn phải chịu đựng đến bao giờ?
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.