Trong kinh doanh, tôi được anh bạn người nước ngoài dạy một câu Tiếng Anh: "You get what you pay for"(nghĩa là: "Bạn sẽ nhận được những gì bạn trả"). Vậy mà bây giờ nhiều doanh nghiệp cố gắng tối đa hóa lợi nhuận bằng việc trả lương thật thấp cho nhân công của mình.
Vừa rồi tôi nghe vụ học sinh tử vong do bị bỏ quên trên xe buýt trường Gateway. Học phí tiểu học năm học 2019-2020 gần 120 triệu đồng. Nhưng hãy nhìn số tiền họ trả cho giáo viên đưa đón: 120 nghìn đồng/ ngày. Với số tiền còn ít hơn mức lương cơ sở đó, thử hỏi người đưa đón trẻ có đặt nặng tâm huyết vào nghề được không khi còn quá nhiều thứ trong cuộc sống phải lo nghĩ?
>> 'Sếp có tư tưởng ban ơn, đừng trách nhân viên nhảy việc'
Khi tôi là sinh viên năm 2 của một trường đại học ở Huế. Có một khu du lịch ở Đà Nẵng hợp tác với trường chúng tôi để mang sinh viên lên đó thực tập. Với tôi, đó không khác gì bóc lột sức lao động. Chúng tôi làm việc trong 2 tháng, mỗi ngày 8-9 tiếng, đúng dịp nghỉ lễ 30/4, để phục vụ hơn 30.000 khách tham quan lên cáp treo vào dịp cao điểm hoặc cuối tuần. Và khi kết thúc công việc, chúng tôi được trả số tiền 1,8 triệu đồng. Lúc đó tôi chỉ đếm từng giờ để được về Huế.
Tôi không bất ngờ khi hiện tại, doanh nghiệp đó đang phát triển rất mạnh vì những con người điều hành biết toan tính để mang về lợi nhuận lớn nhất cho công ty. Nhưng đôi khi tôn chỉ hoạt động của một doanh nghiệp còn quan trọng hơn cả tiền bạc, lời lãi. Họ có thể thất bại trong kinh doanh nhưng trong mắt những người đã làm việc cho họ, doanh nghiệp đó vẫn sẽ là những người có tâm huyết và đôi lúc chữ "tâm" còn hơn cả vật chất.
Chúng ta hầu hết chấp nhận những gì doanh nghiệp đưa ra để tránh bị khác biệt với đám đông. Nhưng theo tôi, đã đến lúc chúng ta đòi hỏi những chế độ lương thưởng tốt hơn cho bản thân mình. Hãy tìm những công ty biết bảo vệ nhân viên, trả thù lao xứng đáng để họ có trách nhiệm trong từng hành động hay quyết định.