Chiều 30/1, TAND Hòa Bình tuyên phạt Hoàng Công Lương 42 tháng tù do phạm tội Vô ý làm chết người trong sự cố chạy thận tại Bệnh viện đa khoa Hoà Bình. Nhiều độc giả đã chia sẻ với VnExpress nhiều quan điểm trái chiều về sự việc này:
Tôi hoàn toàn đồng ý với bản án, bị cáo Lương phải chịu hình phạt cho thói làm việc qua loa cẩu thả của mình. Cái sai cần phải được nghiêm trị chứ không thể vì thương hại mà bỏ qua được. Ai có quan điểm bị cáo Lương không phải chịu trách nhiệm về nguồn nước thì xin đọc kỹ cáo trạng. Bản án này dành cho việc anh ta biết máy móc đang sửa chữa nhưng không liên hệ với người có trách nhiệm để xác định đã sửa xong chưa mà đã cho chạy máy.
(Xem trang cá nhân của độc giả Antony trên VnExpress tại đây).
Tôi đồng ý với tội danh Vô ý làm chết người mà VKS đề ra. Bác sĩ Lương có thể có muôn ngàn lý do hợp lý: do điều dưỡng viên đề xuất, chưa có quy trình, không phải trách nhiệm của mình, hay ở Việt Nam quy trình chạy thận đều hoạt động như thế... nhưng cuối cùng vẫn là 9 mạng người chết oan.
Tương tự các vụ khác trong ngành ngân hàng, chúng ta rất dễ bỏ qua quy trình, bỏ qua nguyên tắc chỉ vì một chữ "tiện", để đến lúc gặp vấn đề thì đùn đẩy trách nhiệm. Tôi không mong bác sĩ bị phạt nặng, nhưng hy vọng bác sĩ nhìn nhận đúng trách nhiệm của mình.
Còn các bạn phản biện chờ quy trình, chờ giấy tờ thì bệnh nhân chết chỉ là ngụy biện. Quy trình chạy song song chứ không phải nối tiếp của việc chữa bệnh. Giấy tờ giúp con người ta nâng cao ý thức, không dám làm tùy tiện.
(Xem trang cá nhân của độc giả Tuan Nguyen Anh trên VnExpress tại đây).
1. Cái này là lỗi quy trình, nên xử cái quy trình. Ví dụ có quy định máy chưa sẵn sàng sử dụng thì phải có niêm phong. Còn khi nhìn vào cái máy thấy tình trạng giống hệt hôm qua thì chả có lý gì lại không cho làm khi đó là công việc thường nhật.
2. Bác sĩ nào gặp phải tình huống này cũng đều làm như bác sĩ Lương cả.
3. Bác sĩ Lương tội vô ý gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng trong cái vô ý đó thì lại còn có các tình tiết hợp lý. Ví dụ như đó là công việc thường ngày, ví dụ như máy móc không có niêm phong, việc chạy thận là cứ chạy vì người bệnh phải được chạy, cái máy hôm qua dùng hôm nay vẫn không có dấu hiệu gì của việc không được dùng thì vẫn phải dùng. Chứ làm sao mà đừng được trong hoàn cảnh này?
(Xem trang cá nhân của độc giả Đông Phong trên VnExpress tại đây).
Viện kiểm sát bỏ qua tất cả các lập luận bào chữa logic của luật sư, và ý kiến của hội đồng chuyên môn y khoa trong suốt quá trình xử án. Tôi không phục, hy vọng bác sĩ Lương và các luật sư giỏi sẽ tiếp tục kháng cáo.
Những người ngoài ngành không thể hiểu được bản chất vụ án. Ở các ngành kinh tế, kỹ thuật, làm bất cứ công việc gì cũng phải có biên bản bàn giao, nghiệm thu. Đối tượng các bạn làm việc là vật vô tri, bất động.
Còn các bác sĩ làm việc trên con người bệnh, mọi thông số sự sống biến đổi hàng phút. Nếu cái gì cũng đợi kiểm nghiệm, biên bản thì đã không có những như khoa hồi sức cấp cứu, tìm cách can thiệp cứu tính mạng bệnh nhân tính bằng giây.
Thiếu sót rõ ràng trong vụ án là không có một quy trình, quy định cụ thể nào. Bộ y tế không quy định bác sĩ phải có trách nhiệm phân biệt chất lượng nước, dụng cụ y khoa trước khi sử dụng, các bác sĩ chưa hề được đào tạo về vấn đề này.
(Xem trang cá nhân của độc giả Thu Hương Nguyễn trên VnExpress tại đây).
>> Ý kiến của bạn về bản án của bác sĩ Hoàng Công Lương như thế nào? Chia sẻ ý kiến bạn tại đây.