Trước ý kiến cho rằng việc cụ ông chia 40% cho luật sư sau khi nhận bồi thường oan sai 6,7 tỷ đồng có dấu hiệu của chiếm đoạt tài sản, nhiều độc giả VnExpress nhận định ông Thêm có toàn quyền quyết định và không ai được phép can thiệp:
Thù lao luật sư được tính theo hai cách: theo thời gian làm việc hoặc phần trăm của giá ngạch vụ kiện. Ở đây, cụ đồng ý chi 40% là hợp lý, nếu tính theo thời gian làm việc thì dù có được hay không vẫn phải trả lương cho luật sư trong mấy chục năm theo kiện. Cái này luật sư chấp nhận rủi ro nếu kiện không được thì coi như làm không công cho cụ mấy chục năm. Kiện đòi bồi thường ở Việt Nam không phải là dễ.
Phải đặt mình vào hoàn cảnh của bác mới mong hiểu hết được nỗi oan sai bao nhiêu năm. Bỏ phí hơn 5 năm tuổi trẻ kéo theo nhiều năm phải oằn mình để hòa nhập, bị làng xóm mọi người kỳ thị, nhất là thời kỳ bao cấp lạc hậu, mới kết thúc chiến tranh. Thậm chí, nếu ông chia 100% tiền cho những người giúp đỡ thì cũng chẳng có gì sai và đó là quyền của ông.
Yêu cầu minh bạch thật hết chỗ nói. Theo mình hiểu thì việc chia cho luật sư là bắt buộc và có sự thỏa thuận (giả sử không được thì luật sư mất trắng tiền bạc và công sức). Chia như ông cụ như vậy là hợp lý, còn kiện cái gì? Mà tiền của ông, tự ông biết ứng xử, chứ đâu phải cho lung tung.
Đời là thế, khi giúp thì chỉ nói vì tình nghĩa, nhưng khi thấy tiền thì mới biết hóa ra giúp cũng vì tiền. Sao không đặt mình vào vị trí của ông cụ? Nếu có công lao thì nhất định ông sẽ không quên và trả ơn. Việc này xuất phát từ tấm lòng của người chịu ơn chứ không phải chạy lại kể lể, giống như áp đặt. Bất cứ ai, kể cả con cái và người thân, hãy nghĩ về nỗi khổ của ông, hãy để ông thanh thản trong quãng thời gian ngắn ngủi còn lại. Chứ vì tiền thì có đáng không? Hơn nữa đây cũng chẳng phải là tiền trúng số, cố giành, so bì hơn thua thì cuối cùng được gì?
Bốn mươi năm oan sai nếu cứ ngồi yên thì ai bồi thường cho? Nếu không có mạnh thường quân ra tay, thuê luật sư, công cán đi lại, và chi tiền nhiều việc thì bao giờ mới giải quyết được? 40% là sự thỏa thuận dân sự của các bên. Không ai có quyền can thiệp khi người thỏa thuận còn đủ năng lực hành vi dân sự.
Không biết mấy người con có công sức như ông Hòa không mà đã sân si chuyện tiền bạc. Chỉ có người trong cuộc mới hiểu sự giúp đỡ của ông Hòa. Tiền là của ông Thêm, không ai có quyền yêu ông phải minh bạch số tiền kia.
40% là phí luật sư trong thời gian dài theo vụ kiện đòi bồi thường. Ở đây có thể là tại thời điểm nhờ luật sư, ông Thêm không đủ tiền để trả chi phí nên mới tính tiền theo khoản tiền nhận được sau vụ kiện (nếu thắng). Còn nếu thua thì luật sư cũng không được đồng nào cả.
Cao thấp liệu có quan trọng khi đã có thỏa thuận trước. Ví dụ bây giờ bạn vướng lao lý oan. Không ai giúp đỡ hết. Có một vị luật sư đến đề nghị kêu oan giúp bạn. Thành công họ 90%, bạn 10%. Thử hỏi lúc đó bạn có đồng ý không? Hay là bạn chê nhiều quá rồi tiếp tục ngồi tù oan?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.