Rõ ràng, thiếu niên điều khiển xe máy trong trường hợp này đã sai. Nhưng hành động lao ra chặn đầu phương tiện vi phạm của thượng sĩ cảnh sát cũng đặt ra một câu hỏi lớn về tính hợp lý của biện pháp nghiệp vụ.
Đầu tiên, hãy thử tưởng tượng một chiếc xe máy cùng với người điều khiển ngồi trên đó, tổng trọng lượng khoảng 160kg. Xe lao đi với vận tốc 61km/h, thì bản thân người chiến sĩ cảnh sát phải chịu một lực va chạm tương đương 1700kg.
Với lực tác động khoảng 10kg có thể gãy cung bên xương sườn, 90kg gây nứt xương sọ, khoảng 500kg thì hộp sọ sẽ bị nghiền nát vụn. Xương đùi được coi là chắc khỏe nhất cơ thể cũng chỉ chịu được lực 400kg là bị gãy nát.
Bộ xương mới chỉ là cái khung bảo vệ cơ thể vì nó mạnh mẽ nhất. Nội tạng yếu ớt và nguy hiểm hơn rất nhiều. Vì thế mà thượng úy cảnh sát giao thông đã phải kết thúc nhiệm vụ trong bệnh viện với chẩn đoán dập não và tụ máu nội sọ, vỡ đốt sống cổ, trật khớp khủy phải; những tổn thương này sẽ để lại hậu quả tàn phế suốt đời.
Tôi chưa thấy cảnh sát ở nước nào chọn giải pháp liều lĩnh lao ra phía trước đầu xe vi phạm để chặn lại. Ví dụ ở Thụy Điển, tôi dành khá nhiều thời gian xem cách thức cảnh sát chặn dừng xe vi phạm. Đầu tiên sẽ có một cảnh sát ra hiệu, bằng động tác chỉ tay vào xe vi phạm và chỉ xuống đường, nhưng xe vẫn được tiếp tục di chuyển. Ở địa điểm thứ hai, lại một cảnh sát ra hiệu tương tự, để xe vi phạm biết lỗi và điểm dừng, khoảng cách giữa hai điểm khoảng 150m. Đến trạm cuối, một cảnh sát ra hiệu lệnh dừng xe và hướng dẫn đỗ xe ở vị trí an toàn, người vi phạm chỉ việc tuân theo mệnh lệnh.
Ở những điểm đó, tôi chưa bao giờ thấy có sự mâu thuẫn giữa cảnh sát và người lái xe; mà ngược lại, cảnh sát luôn nở những nụ cười tỏa nắng, lái xe luôn cám ơn cánh sát vì đã chỉ ra những lỗi mà họ mắc phải có thể gây nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng. Điều này khác hẳn với tình trạng giao thông ở Việt Nam, giữa cảnh sát và lái xe luôn có sự xung đột dữ dội, đỉnh cao là những cuộc tấn công từ những người lái xe không kiềm chế được bản năng.
Việc dừng đỗ xử phạt các phương tiện giao thông vi phạm là một trong những công việc nguy hiểm nhất của cảnh sát, vì trong hầu hết các trường hợp, cảnh sát không biết gì về người ngồi trên xe họ đang dừng. Đó có thể là một công dân lương thiện, nhưng cũng có thể là kẻ giết người, một băng đảng, một chiếc xe chở ma túy, hay bất kì loại tội phạm nào khác.
Mục đích của việc dừng phạt với những phương tiện tham gia giao thông phạm lỗi, đầu tiên là để bảo vệ chính người vi phạm, tiếp theo là bảo vệ sự an toàn cho cộng đồng trước những tình huống nguy hiểm tiềm tàng, cuối cùng là bảo vệ cho cả bản thân người cảnh sát khi thực thi nhiệm vụ.
Là người thường xuyên lái xe trên những chặng đường dài, tôi nhận thấy mỗi điểm dừng phạt phương tiện vi phạm luật giao thông luôn tiềm ẩn những yếu tố nguy hiểm rất khó lường. Bất kì một phương tiện giao thông nào cũng có thể trở thành vũ khí giết người. Nhiệm vụ của người cảnh sát là phải hóa giải được những yếu tố nguy hiểm ấy.
Ví dụ, khi cảnh sát yêu cầu dừng đỗ, nhưng chợt phát hiện ra người điều khiển phương tiện là một tên tội phạm hình sự có vũ trang cố tình chạy trốn, thì ngay lập tức cảnh sát phải có những hành động chặn bắt quyết liệt. Trong trường hợp này, cảnh sát phải sử dụng quyền lực và vũ lực ở mức tối đa để khống chế đối tượng, nhằm bảo vệ sự an toàn cho người dân, cũng là đảm bảo an toàn cho chính bản thân cảnh sát.
Nhưng ngược lại, người vi phạm chỉ đơn thuần mắc các lỗi theo quy định của luật an toàn giao thông đường bộ, chừng đó không đủ cơ sở để cảnh sát phải sử dụng những biện pháp ngăn chặn quyết liệt và toàn diện.
Người vi phạm luật giao thông khác với tội phạm, đa số họ bỏ chạy chỉ để không bị phạt tiền, một số vì hoảng loạn mà làm những điều ngu ngốc. Vì thế mà cảnh sát không nên biến một lỗi vi phạm luật giao thông đơn thuần trở thành vụ giết người tiềm năng. Muốn làm được điều đó, cảnh sát phải biết phán đoán tình huống, dựa trên các yếu tố như thông tin liên quan đến tội phạm hình sự, tốc độ của người vi phạm, điều kiện đường xá, mật độ người tham gia giao thông, thời gian trong ngày; để từ đó đưa ra quyết định có hay không biện pháp ngăn chặn triệt để.
Vấn đề còn băn khoăn là, khi cảnh sát để người vi phạm trốn thoát, thì đó có phải là việc đang dung túng cho những hành vi cố tình vi phạm hay không? Câu trả lời ở cách xử lý sau đó. Nếu coi việc đào tẩu của người vi phạm chỉ đơn giản là cảnh sát không thực hiện bắt giữ tại thời điểm đó, nhưng đối tượng ngay lập tức được đưa vào hệ thống an ninh theo dõi, những người trốn chạy phải được bắt giữ ở một thời điểm khác với mức xử phạt đủ mạnh để răn đe; làm như vậy tôi tin chắc sẽ đạt được hiệu quả tích cực.
Thảm kịch cậu bé 16 tuổi đâm vào thượng sĩ cảnh sát giao thông ở Hải Phòng rồi sẽ khép lại. Nhưng bài học lớn cần được mở ra, đó là khi chúng ta đang ở trong một nền văn hóa giao thông với thói quen thích lao nhanh về phía trước, thì để giảm tốc độ, cả người tham gia giao thông và chiến sĩ cảnh sát đều cần đủ tỉnh táo. Và nguyên tắc thực thi nhiệm vụ quan trọng nhất với người cảnh sát: Khi nguy cơ chặn bắt lớn hơn những nguy hiểm mà người vi phạm gây ra cố tình bỏ chạy thì việc dừng phạt của cảnh sát nên tạm dừng.
Trần Văn Phúc