Chuyên gia tâm lý trong bài viết Nói xấu trên mạng là tâm lý bình thường của tuổi teen nói rất chính xác. Xin kể ra đây câu chuyện của chính tôi.
Lúc tôi học lớp 6, thời bao cấp khó nhọc, trong một lần giúp gia đình đi lấy thức ăn cho heo, tôi đã về không kịp để đến lớp và nghỉ không xin phép.
Bạn tôi thời đó nghỉ đầy, nhưng vì tôi năm cuối cấp I, là một học sinh xuất sắc toàn khối với nhiều hoạt động đoàn- đội sôi nổi nên được thầy cô để ý, quan tâm.
Hôm sau đi học, cô giáo chủ nhiệm dạy Văn, thay vì gọi riêng tôi ra hỏi lý do, lại gọi tôi lên trước lớp để hỏi.
Thuộc dạng bướng, lại lần đầu tiên bị trách phạt, tôi phản ứng lại bằng cách không nói một lời nào kể từ lúc lên đứng trước lớp cho đến khi tôi về chỗ ngồi, cho dù cô có cố cậy răng tôi cách nào đi nữa.
Tôi lúc đó, phần vì xấu hổ cho gia cảnh của mình trước bạn bè, phần vì nghĩ rằng mình chẳng làm gì sai sao lại trở thành tội đồ trước cô giáo, phần vì tôi là kẻ thật thà đến ngớ ngẩn không biết bịa ra một lý do để nói dối.
Vụ việc bắt đầu trở nên nghiêm trọng khi tôi về chỗ và khá ấm ức vì cách làm của cô giáo.
Tôi liền viết vào một mẩu giấy rồi quăng lên cho bạn. Thằng bạn nhặt được quay xuống cười. Đúng lúc đó, cô giáo đang viết bảng quay xuống bắt gặp. Cô yêu cầu thằng bạn đưa cô mẩu giấy.
Mặt cô và tôi tái đi theo hai nội tâm khác nhau. Lúc đó, tôi ý thức được rằng việc mình làm thuộc hàng long trời, lở đất và chuyện gì đang chờ đợi mình.
Tôi không sợ nhà trường, tôi sợ ba tôi. Ông có một hình phạt, mà có lẽ ít ai nghĩ ra. Ông lột đồ và đuổi đi, thay cho việc đánh (trước đây ông đánh ác lắm, nhưng sau những trận đòn thừa sống, thiếu chết đó, ông nghĩ lại thấy hối hận vì ra tay dã man với tôi trong lúc nóng giận). Viễn cảnh của hình phạt đang chờ tôi sau buổi họp phụ huynh bất thường của cô giáo.
Để đối phó, tôi thủ sẵn quần áo đem ra bãi cát gần nhà chôn xuống đó. Định bụng sẽ bỏ nhà ra đi, theo đúng cái cách mà ba tôi đã trừng phạt.
Rất may, buổi họp phụ huynh hôm đó, không biết vì lý do gì, ba tôi về nhà mà không hề có thái độ như tôi chờ đợi. Ông chỉ nhắc nhở, quất một roi rồi cho qua.
Tôi đoán rằng, cô giáo đã không đưa hết sự thật vụ việc đã xảy ra cho ba tôi biết.
Qua chuyện này, chúng ta có thể thấy rằng, hành động cực đoan của người lớn có thể đánh mất cuộc đời một đứa trẻ. Nhân văn, độ lượng và bao dung là những gì chúng ta cần, đặc biệt là nhà giáo và những người làm cha mẹ. Có như thế, xã hội mới ít đi những kẻ nghiện ngập, trộm cắp, ma túy...
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây