Sau bài viết Tương lai của người già, độc giả có nickname tucaotudai83 chia sẻ nhiều người khi già vẫn phải làm việc mưu sinh: Hai người cô của tôi đã lớn tuổi, bệnh tật mà vẫn phải đi bán vé số, làm công (giúp việc nhà) cho người khác mặc dù vẫn có con cái, dâu rể đàng hoàng. Một thực trạng đáng buồn. Thời son trẻ lo lắng, dựng vợ gả chồng cho con cái. Đến lúc già con cái còn chưa lo nổi gia đình riêng của mình thì cha mẹ buộc phải lao động tiếp để mưu sinh.
Độc giả Lang Thang nêu vấn đề: Ai rồi cũng phải già, nhưng vấn đề của người già là gì? Khi già mất sức lao động nhưng không phải ai cũng có con chăm sóc báo hiếu nuôi dưỡng hay có đủ tiền tích cóp từ thời trẻ để nuôi bản thân.
Mà vấn đề này là câu hỏi lớn của toàn xã hội khi đất nước bắt đầu già hoá dân số có lẽ bắt đầu từ giờ là quá muộn nhưng phải làm để có những trại dưỡng lão ấm áp hơn hạnh phúc hơn cho người già.
Độc giả Thực Tế cho rằng đã đến lúc lập các quỹ hỗ trợ người già: Giá như có công cụ kiểm tra chéo các hoạt động hỗ trợ người già, không riêng gì người già mà cả các quỹ khác, thì xã hội sẽ chung tay rất đắc lực.
Đôi lúc thấy việc làm từ thiện không có nghĩa bằng việc đóng góp đích danh cho các quỹ quản lý từng lĩnh vực riêng. Vậy mới bình ổn xã hội một cách tương đối không quá nhiều cảnh cơ hàn. Nhưng quan trọng nhất là tính trung thực trong quản lý quỹ và công cụ giám sát kiểm tra chéo.
Ngoài sự chung tay của xã hội, độc giả Lê Minh Châu cho rằng con cháu trong gia đình phải là người tự giác chăm sóc ông bà, cha mẹ khi họ già:
Tôi mới đọc một cuốn sách về tuổi già rằng "viện dưỡng lão là nơi moi móc những đồng tiền cuối cùng của người già", con cái mình đẻ ra còn không chăm sóc mình tử tế thì liệu người ngoài có tốt hơn, bất khả kháng không còn nơi nương tựa mới phải vô viện dưỡng lão (cũng chỉ dành cho người có tiền) hoặc lại một lần nữa cái điệp khúc "sợ phiền con cháu", vậy là họ lại tiếp tục hy sinh vì tự do của con cháu cho đến khi chết.
Vì vậy, không nên phủ nhận trách nhiệm của con cái, mà phải giáo dục/chính sách thế nào để họ cảm thấy không phải là bản thân đang bị cha mẹ "đòi nợ", sẵn sàng gánh vác cùng xã hội cho việc chăm sóc người già, ít nhất là cho người già trong gia đình mình.
Độc giả Cỏ dại chia sẻ một quan niệm sống:
Lúc trẻ thì làm nhiêu lo cho con cái ăn học. Con lớn lo cưới vợ gả chồng. Khi già thì cũng tự mình lo kiếm ăn. Con người thật khổ với suy nghĩ của mọi người.
Quan điểm của tôi rất đơn giản và nhẹ nhàng. Trẻ tôi lao động, ăn xài đúng mức không phung phí và phải dành một ít để làm từ thiện mỗi năm. Già thì tôi vẫn lao động với công việc vừa sức mình.
Tôi từng nghĩ sau này già mình đi bán vé số hay rửa chén thì sao? Vẫn ok thôi . Miễn tôi vẫn còn làm được. Nếu già bệnh nằm đó không ai lo thì sao? Thì chịu đựng thôi. Cũng đâu có lâu đâu. Chừng vài bữa là sẽ chết thôi. Xem như xong một kiếp.
Cái quan trọng nhất trong quãng thời gian sống tôi đã làm được bao nhiêu việc ý nghĩa và sống có ích cho xã hội thế nào? Con người ai mà chẳng một lần để bệnh rồi chết. Tôi đã chuẩn bị một tâm thái tốt để đón nhận điều đó ngay từ bây giờ.
Nếu tôi là ông bà tôi bán căn nhà đó. Gửi vô ngân hàng. Thuê một căn phòng trọ khác. Tiền đó trích một nửa làm từ thiện. Một nửa để dành ăn từ từ. Mỗi ngày đi nhặt ve chai như vậy cũng tốt. Coi như vận động. Nhưng không quá sức. Sống không lo lắng vào tương lai. Cũng không nghĩ về quá khứ thì tâm an lạc tự tại.
Khổ là do tâm suy diễn thôi. Chứ sự thật chúng ta không khổ. Đói khát không có ăn mới thật khổ. Không nơi trú khi mưa khi nắng mới thật khổ. Khi bệnh đau nhức toàn thân mới thật khổ. Và trước khi chết lương tâm dằn vặt hối hận với những điều mình từng làm mới thật sự là nỗi khổ lớn nhất đời người.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.