Đồng cảm với bài viết "Virus và vệ sinh", độc giả Mrs. Dew chia sẻ chính câu chuyện của bản thân khi bị người xung quanh cười nhạo vì quá kỹ tính:
Trước khi có dịch bệnh xảy ra, tôi thường bị cười nhạo là quá kỹ tính, quá sạch sẽ, vì tôi có thói quen rửa tay trước khi ăn, trước khi bồng trẻ nhỏ, khi ăn chung với mọi người thường múc chén nước chấm riêng, chấm trái cây thì chấm muối riêng, đại loại là ý thức giữ vệ sinh để hạn chế lây bệnh.
Đến giờ, tôi vẫn thấy nhiều người chủ quan như vậy với câu nói cửa miệng là "kỹ cho lắm vào, không có bị HIV là được rồi". Đang trong dịch bệnh như vậy, em vẫn thấy nhan nhản những anh trên con xe mà cứ tiện là phun nước bọt ra ngoài đường, hoặc hỉ mũi ầm ầm chẳng kiêng dè gì. Tôi cũng hy vọng biết đâu sau đại dịch, mọi người sẽ thay đổi ý thức nhưng có vẻ hơi khó, sợ rằng đâu lại vào đấy.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi bị nhiều người phàn nàn vì quá sạch sẽ, bạn đọc Thanh Trúc Nguyễn Ngọc chia sẻ:
Bình thường, tôi có bệnh sạch sẽ hơi thái quá. Cả chục năm nay, đi đâu, làm gì, đụng vô tay nắm cửa hay công tắc, cầm tiền mua đồ,... kể cả ở trong phòng riêng, làm gì tôi cũng rửa tay bằng xà bông. Khi đi bán hàng ngoài chợ thì tôi kè kè theo chai cồn rửa tay, đi vệ sinh công cộng ở chợ mỗi lần đi tốn một cặp bao tay để đóng chốt cửa phòng, kèm một bịch sữa tắm để rửa tay lại sau khi đi vệ sinh. Ai cũng phàn nàn tới mức khó chịu vì tôi kỹ quá, nói tôi bệnh này kia. Thiệt tình, để tay cầm nắm mà không rửa xà bông lại, tôi khó chịu, bứt rứt không chịu nổi.
Hễ mình có ý thức là mọi người xung quanh sẽ nhìn tôi y như người gì ngoài hành tinh. Trong khi đó, tôi thấy rất nhiều người đi vệ sinh xong chỉ bật nút xả rồi mở cửa đi ra, tắt đèn, đổ rác hay cầm chổi, đồ hốt rác, cây lau nhà xong rồi cứ tỉnh bơ vào làm đồ ăn trong bếp hay cầm điện thoại, tối lại tha cái điện thoại đó lên giường ngủ. Nhận tiền bằng tay không, bao nhiêu vi khuẩn tràn lan khắp ngõ ngách trong nhà.
Nhất là thói quen rửa tay xà bông trước khi ăn cơm, tôi thấy rất quan trọng mà ít người lớn quan tâm, trong khi truyền thống ăn cơm nhà của người Việt Nam, bao nhiêu đôi đũa, cái muỗng nhúng vào đĩa đồ ăn rồi.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.