Ngày 7/12, đại tá Khương Duy Oanh, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá cho hay, đơn vị đang phối hợp với Cục cảnh sát Hình sự, các cục nghiệp vụ Bộ Công an và công an các tỉnh thành cả nước điều tra mở rộng vụ án Công ty Nam Long hoạt động tín dụng đen.
Kết quả điều tra xác định, giữa năm 2017, Nguyễn Đức Thành (30 tuổi, quận 1, TP. HCM) và Nguyễn Cao Thắng (34 tuổi, quận 10) mở Công ty Nam Long để hoạt động tín dụng đen. Công ty có trụ sở chính đặt tại đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho song không đăng ký kinh doanh.
Nam Long chuyên kinh doanh cho vay tài chính dưới hình thức hợp đồng trả góp trong 41 và 51 ngày. Với trả góp 41 ngày, mỗi hôm người vay phải trả tiền gốc và lãi trên 3% tổng số tiền vay, hợp đồng 51 ngày là 2,5%. Nam Long còn có hợp đồng "lãi đứng" với mức lãi 15-30%/ngày dành cho người vay là cá nhân có tài sản đảm bảo, hộ kinh doanh và các doanh nghiệp.
Thắng chịu trách nhiệm huy động vốn, cung cấp nguồn tiền, còn Thành làm giám đốc chỉ đạo toàn bộ hoạt động của bộ máy. 50% lợi nhuận dùng để cho vay tiếp, phần còn lại Thành và Thắng chia nhau.
Đại diện ban chuyên án cho hay, công ty này có 26 chi nhánh, lập "chân rết" ở 63 tỉnh thành. Mỗi chi nhánh phụ trách 2-5 tỉnh do một người làm quản lý. Ngoài tiền lương, công ty chi tiền thuê nhà và sinh hoạt phí khác cho cả quản lý và nhân viên.
Tín dụng đen đã tồn tại từ lâu và trở thành một vấn đề nhức nhối của xã hội. Độ phủ sóng của nó rộng khắp, từ thành thị đến nông thôn, có mặt ở cả 63 tỉnh thành.
Trước vấn nạn này, độc giả Tí cho rằng: "Đâu phải ai cũng muốn đâm đầu vào tín dụng đen trong khi vay tiền ngân hàng không dễ dàng".
"Nói đi cũng phải nghĩ lại, những người tìm đến tín dụng đen đều thuộc diện vỡ nợ không còn khả năng chi trả nên không nơi nào dám cho vay. Họ đã biết trước là phải chịu lãi cao nhưng vẫn lao vào vì thủ tục đơn giản, nhanh gọn. Mà cuộc sống có vay có trả nên phải chịu hậu quả thôi"- độc giả Thuận Bắc.
Độc giả Pvs đặt 3 câu hỏi: "Vay tín dụng đen dễ hơn hay vay ngân hàng dễ hơn? Tại sao họ không vay ngân hàng mà đi vay tín dụng đen? Ngân hàng rủi ro hơn hay tín dung đen rủi ro hơn?"
Theo bạn, giải pháp nào là căn cơ nhất để triệt phá tín dụng đen ở Việt Nam?
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.