Sau bài viết Thế hệ lùn, độc giả KID1412 cho rằng:
Việc phân bổ chương trình giáo dục không hợp lý, quá thiên về giảng dạy văn hóa mà xem nhẹ rèn luyện thể chất, cộng thêm tâm lý đua thành tích của phụ huynh dẫn đến các bạn học sinh không có nhiều cơ hội để rèn luyện thể dục thể thao.
Độc giả Nha Dam cho rằng chương trình giáo dục hiện tại đang quá nặng về các kiến thức văn hóa trong khi giáo dục thể chất chưa được chú trọng:
Là một phụ huynh và tôi cũng hiểu tầm quan trọng của thể thao. Tuy nhiên cũng phải chịu chung áp lực thi cử hàn lâm của ta ở các môn Toán, Lý, Hoá, Sinh, Văn, kiến thức hàn lâm chỉ để thi.
Do đó, điều tác giả bài viết muốn nói ở đây là sự cải cách giáo dục sâu rộng và toàn diện. Chú trọng nhiều hơn về giáo dục thể chất. Bỏ bớt những cái hàn lâm đi. Khổ lắm, nói mãi...
Sau khi thi đại học khối B xong đến nay làm 30 năm tôi cũng chẳng phải dùng toán di truyền, vật lý lượng tử, tích phân đạo hàm làm cái gì trong cuộc sống cả. Thậm chí tôi chẳng cần biết câu nói của tôi, các văn bản tôi soạn là thể loại nào: chứng minh, so sánh... nhưng tôi chắc là nó không sai. Thế đấy, tác giả muốn nói là chúng ta làm cho con em mình mất cả tuổi thơ cho các thứ không xài. Cái xài cho đến cuối cuộc đời (sức khoẻ) thì vứt bỏ hoặc lơ là.
Độc giả Nguyễn Huy đồng tình:
Vấn đề ở đây không phải là gia đình nhận thức được, mà là những người làm giáo dục có nhận thức được hay không. Trong một xã hội mà nền giáo dục quá đặt nặng vấn đề thành tích thì nó sẽ không còn chỗ cho việc rèn luyện các kỹ năng khác.
Hãy nhìn sang các nước phát triển như Mỹ, Úc, Nhật..., học sinh của họ đâu có đạt nhiều giải thưởng quốc tế như Việt Nam mình, ấy thế nhưng thành tựu nghiên cứu khoa học của họ lại hơn chúng ta rất chi là nhiếu, ấy là vì sao?
Tôi hay ngồi cùng các bạn bè của tôi có con cái đang học ở các trường cấp 2,3, tất cả cùng đều một tâm trạng, con phải học thêm quá nhiều mà không biết phải làm sao. Toàn là chương trình học thêm của trường, của cô đề ra, chạy đâu cho thoát.
Độc giả có nickname Tin tin trăn trở:
Sau này con tôi đi học tôi biết phải làm sao? Sau giờ học đi tập thể dục, chơi với con thì mai mốt lên lớp con học lẹt đẹt, mặc cảm với các bạn tám phẩy, chín phẩy, không biết con mình có bị ngu, học thua người ta không.
Còn cố gắng nhồi nhét đủ thứ Toán -Lý -Hóa (mà kinh nghiệm bản thân tôi sau khi ra trường chẳng bao giờ dùng tới, trừ khi tôi là nhà nghiên cứu chuyên môn) thì nhìn chung con tạm ổn với mặt bằng các bạn trong lớp, không để con xấu hổ mặc cảm vì học dốt, nhưng vậy thì thời giờ đâu mà thể với chả thao. Trong khi con nít lại hay dễ tổn thương, so đo với bạn bè cùng lứa. Nghĩ mà buồn quá.
Độc giả Dang Thai Son cho rằng, trước khi hệ thống giáo dục kịp thay đổi theo hướng tích cực hơn, phụ huynh nên là người thay đổi trước:
Tôi phải công nhận một điều là quỹ thời gian của các con quá ít do phụ thuộc vào thời gian của bố mẹ. Học cả ngày trên trường, bố mẹ thì đi làm tối mới về. Sau giờ học bố mẹ gởi con cho cô kèm thêm, có bố mẹ thì gởi con cho xe ôm ... để đảm bảo con mình được an toàn trong thời gian không có mình bên cạnh.
Vậy nên thời gian của con ở trường sau giờ học (3h30- 17h30) là thời gian trống dài nhất của các con. Thay vì để các con luẩn quẩn trong sân trường thì các bậc phụ huynh chủ động mời các trung tâm thể chất dạy cho các con vào giờ này (Tâm lý chờ đợi người khác dọn sẵn cho mình đang có trong rất nhiều bậc phụ huynh). Tôi nghĩ mình thay đổi một chút, thay vì trông chờ vào người khác hay trách móc vì chưa theo kịp "nhà người ta".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.