Nói về thịt chó thì tôi có một trải nghiệm rất kì lạ. Gia đình tôi ngày xưa cũng có nuôi chó. Bắt đầu là con Nô, cha mẹ tôi xin được của người bạn. Nô lớn lên và sinh được một đàn con. Nhà tôi giữ lại con Lu, còn lại cho người khác nuôi. Tôi và em tôi lớn lên với Nô và Lu.
Tôi và em khá nghịch ngợm nên có lần chúng tôi rượt con Lu và đánh nó bằng cuống lá dừa. Lu cuống quít chạy trốn, vừa thò ra thì lại bị đánh. Ba tôi nghe ồn ào nên chạy tới coi, chúng tôi bị ba la một trận. Rồi Lu lại trở lại, vẫy đuôi mừng khi chúng tôi gọi tới.
Cả Nô và Lu đều chết già, Nô đi trước và Lu đi sau nhiều năm. Ngày Lu ra đi, nó vẫn còn khá mập mạp, có da có thịt. Sáng đó kêu tên Lu mà không thấy, chúng tôi đi kiếm thì Lu đã nằm im. Mẹ tôi không có nhà nên ba cha con xúm lại bàn bạc chuyện nên chôn cất Lu thế nào.
Được nửa buổi sáng, Lu vẫn còn nằm đó và chúng tôi chưa chốt phương án nào thì bác hàng xóm tới thăm. Ba kêu chúng tôi ra sau để ba tiếp khách. Rồi ba đi vào với vẻ mặt hơi căng thẳng. Ba nói là ba đã đem Lu cho bác hàng xóm, chúng tôi đừng buồn. Rồi ba lắc đầu nói "Kệ, ổng thích thì mình cho, chớ mình cũng đâu làm gì được với con Lu nữa."
>> Tôi sẽ không ăn thịt chó nữa nếu đưa vào sách đỏ
Con Lu được cột vô yên xe đạp và về nhà hàng xóm. Bao năm qua mỗi lần nghe người ta bàn bạc chuyện ăn thịt chó tôi lại thấy xót xa, chỉ là mãi mà tôi không biết mình xót cái gì. Hình dáng con Lu vắt ngang trên yên xe đi xa về nơi "chôn cất" là hình ảnh cuối cùng của tôi về một chú chó của mình. Sau đó tôi chỉ nuôi mèo.
Tôi quê ở miền Tây, nơi hồi cách đây hai chục năm người ta ít ăn thịt chó. Cả thị xã không có một hàng thịt chó, chỉ một dạo có cái quán mở ra với hay chữ "Thịt Cầy" viết trên bảng, được chừng sáu tháng thì đóng cửa.
Chung quanh xóm ai cũng nuôi chó để giữ nhà, ai cũng biết chó nào mập chó nào ốm. Nhưng bao năm không ai mất mát con chó nào, chỉ có lâu lâu có chó bị xe đụng, còn lại thì đều chết già hay bệnh.
Tôi không ăn thịt chó và cũng chưa bao giờ thấy cần phải ăn thịt chó. Tôi cũng không ưa những người ăn thịt chó nhưng tôi vẫn quý mến bác hàng xóm ngày xưa. Bác ấy quả là có ăn, nhưng ngày đó nhà tôi không mất chó mà con Lu cũng không bị cắt tiết. Tôi chỉ có thể lờ mờ đoán rằng bác ấy thích ăn thịt chó nhưng chung quanh không ai bán. Bác ấy cũng không ăn cắp của ai, và chắc cũng không nỡ ăn con chó mình nuôi.
>> 'Ăn thịt chó không là thước đo văn minh'
Việc ăn thịt chó ở Việt Nam gây tranh cãi, nhưng cũng chỉ xoay quanh mấy chuyện: trộm chó, ai lại đi ăn bạn của con người, và giới thiệu thêm tiết mục vệ sinh an toàn thực phẩm. Vấn đề thứ ba thì không phải quan trọng lắm, đa số những người tham gia tranh cãi chỉ quan tâm tới hai vấn đề đầu.
Ở Hàn Quốc thì vấn đề trộm chó chắc cũng không nghiêm trọng như Việt Nam nhưng món thịt chó của Hàn Quốc vẫn bị chỉ trích liên miên, tới nỗi hồi World Cup 2002 chính phủ Hàn Quốc phải kêu gọi tạm dừng bán thịt chó. Nói tóm lại, mọi chuyện sau cùng thì chỉ gom về chuyện "ai lại ăn bạn của con người".
Người phương Tây nuôi chó rất nhiều, nhưng hồi xưa thì họ nuôi để giúp việc chăn nuôi, dùng như vệ sĩ và giữ nhà. Còn thời nay thì nuôi để đem lại niềm vui và làm bầu bạn. Những người gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần hay tàn tật thì dùng chó để dẫn đường hay để được nâng đỡ tinh thần. Ai cũng có phận sự và không thể nào dùng một nhân vật tham gia lao động vào mục đích thực phẩm.
>> Tôi bỏ ăn thịt chó để giữ hình ảnh người Việt với khách nước ngoài
Những người thích ăn thịt chó có lẽ không thích sự tách bạch đó. Đối với họ thì chuyện loài chó có tham gia lao động cho con người không có nghĩa là chúng được miễn cho cái nghĩa vụ làm thực phẩm. Nhưng ở một diễn biến khác, mèo cũng nằm trong khái niệm này nhưng trên thế giới rất ít ai ăn thịt mèo. Món "tiểu hổ" ở Việt Nam chỉ bùng lên được ít lâu rồi ra đi nhanh chóng.
Tôi nghe nói là thịt chó rất hôi và một lần tình cờ đi qua phố thịt chó ở Tân Bình đã khiến tôi tin là như vậy. Một số thì cho là thơm và họ ăn thịt chó. Thịt mèo thì tôi không rõ nhưng nghe là nói còn hôi hơn nhiều.
Không biết khẩu vị có đóng vai trò gì trong việc ăn uống hay không? Chắc chắn là có, và cái tội "bị cho là ngon" đã đẩy lũ chó vào tình cảnh bị làm thịt. Cái công lao "tham gia lao động, tình nghĩa với con người" cũng không có tác dụng gì khi đứng trước những con người thèm ăn. Nhất là khi đó không phải là con chó của họ.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.