Ngày 26/4, tuyến đường ống dẫn nước sạch Sông Đà về Hà Nội lại xảy ra sự cố vỡ ống tại Km 26+600 trên đại lộ Thăng Long. Đây là lần vỡ ống thứ 6 gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của cư dân trong bối cảnh mùa khô thiếu nước. Người dân Thủ đô Hà Nội vô cùng bức xúc.
Nước sông Đà và "nỗi oan" của đất
Khi có nhiều người chất vấn và đặt câu hỏi tại sao đường ống hay vỡ thì chủ đầu tư là Tổng công ty cổ phần Vinaconex cũng “bó tay" và trả lời rằng “ chuyện này không khác nào ăn cơm dương gian nói chuyện âm phủ". Còn ông Nguyễn Sỹ Trung - kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (nay là đường đại lộ Thăng Long) thuộc viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải cho biết : “Chỉ cần để ý một chút có thể thấy qua mỗi trận mưa bắt đầu nắng lên lập tức là vỡ. Điều này có thể hiểu đất yếu khi gặp nước sẽ trương lên. Khi nắng lên lại co lại. Điều đó sẽ tạo ra một lỗ rỗng. Tải trọng ép xuống tạo ra độ vênh, ống không chịu được biến dạng thì sẽ vỡ thôi. Cả tuyến ống như một con trăn khổng lồ hoạt động liên tục. Khi chuyển mình mà các khớp nối không chắc chắn thì khớp nối sẽ bị bật ra”.
Cũng theo ông Trung, trong quá trình khảo sát thi công tuyến đường Láng - Hòa Lạc, ông Trung và cộng sự đã ghi nhận có 29 đoạn với tổng chiều dài 5,4km có đất yếu. Đây là những đoạn cần phải có biện pháp xử lý đặc biệt. Khi làm đường cao tốc Láng - Hòa Lạc đơn vị thi công xử lý đất yếu tại 48 vị trí. Sẽ là phiến diện nếu cho rằng có thể vỡ tại 48 điểm ấy nhưng cũng không ai có thể khẳng định đảm bảo an toàn cho 48 vị trí trên.
Sau 5 lần xảy ra sự cố chủ đầu tư là Tổng công ty cổ phần Vinaconex vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm, chỉ biết loay hoay chạy theo “chữa cháy” “vỡ đâu vá đấy”. Trong sự cố lần này, Bộ Xây dựng đã vào cuộc và dư luận đang chờ một kết luận chính xác về nguyên nhân chứ không chỉ chung chung "tại cái đất nền yếu" như chủ đầu tư đã đưa ra.
Cứ để cho tình trạng ống vỡ ống xảy ra bất cứ lúc nào sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của hàng vạn người dân, đặc biệt là Thủ đô - trung tâm chính trị kinh tế, văn hóa của Đất nước. Vì vậy cần đi sâu tìm nguyên nhân để khắc phục dứt điểm sự cố.
Qua vấn đề này, tôi nhận định ống vỡ do đặt trên nền đất yếu là không đúng vì dung trọng khô của đất biến thiên từ 1,2 đến 1,9 tấn / m3. Dung trọng ướt của đất lại còn cao hơn từ 1,5 đến 2,3 tấn /m3. Dung trọng của nước chỉ là 1 tấn/m3 nhỏ hơn cả dung trọng của nền đất yếu 1,2 tấn / m3 nên “tự nổi” trên nền đất không ảnh hưởng gì đến kết cấu nền đất. Cường độ nền đất dù có yếu bao nhiêu cũng không thể kém hơn 3 tấn / m2, trong khi tải trọng đường ống có đường kính 1 mét thì tải trọng của nước và vật liệu thấp hơn 1 tấn /m2, là rất nhỏ so với sức chịu tải của đất yếu là 3 tấn/ m2. Nhìn trên các hình ảnh sự cố thì nền đất này máy móc vẫn đến hoạt động được cho nên cưòng độ nền đất không thế dưới 1kg/cm2, tức 10 tấn / m2. Có nghĩa rằng sức chịu tải của đất ở đó dù yếu đến đâu cũng vẫn đảm bảo chịu lực cho đường ống mà không thể gây lún tới mức vỡ ống.
Luận cứ cho rằng vì nền đất yếu gây lún , gây chuyển vị làm bật tung mối nối lại càng không thể có vì không thể có lún thì không thể gây nên chuyển vị.
Áp lực nước va là “thủ phạm giấu mặt” gây ra vỡ ống
Ống cấp nước sạch đô thị là ống có áp lực để đẩy một khối lượng nước chuyển động đi xa hàng chục km và có cột nước cao trên chục mét cấp nước cho các nhà cao tầng. Vì vậy ống cấp nước phải đảm bảo tiêu chuẩn về chịu lực trong quá trình sử dụng.
Theo Tổng Công ty cổ phần Vinaconex đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội được sản suất theo đúng quy trình của nhà cung cấp, đơn vị sản xuất có quy trình quản lý chất lượng ISO, có phòng thí nghiệm hợp chuẩn, quy trình giám sát chất lượng.
Cần khẳng định chắc chắn rằng nguyên nhân vỡ ống không phải do nền đất yếu mà là do áp lực quá tải. Còn vì đâu gây ra áp lực quá tải thì hãy quan tâm đến khái niệm “áp lực nước va" sau đây:
Nước là chất lỏng không thể nén được, khi chịu áp lực là phải giải phóng ngay, áp lực nước va là hiện tượng tăng áp đột ngột khi máy bơm dừng hoạt động hoặc một van trên đường ống chính được đóng quá nhanh. Lúc đó sẽ có sự khuếch đại nhanh chóng của phần áp lực thấp theo sau bởi đợt hồi ngược áp lực cao được tạo ra trong vòng vài giây gây tăng áp đột ngột làm vỡ ống. Câu nói của cha ông “ tức nước vỡ bờ” là tư duy khoa học tầm “hàn lâm” từ xa xưa vẫn đúng để tìm ra “ thuốc chữa” cho ngày hôm nay.
Một số các vụ nổ ống áp lực thủy điện có sức công phá hàng chục - hàng trăm tấn thuốc nổ TNT đã gây thảm họa trên thế giới. Đã có vụ làm chết cả nghìn người. Và những vụ nổ ống áp lực khi bơm vữa bê tông lên cao gây tai nạn chết người trên công trường…là minh chứng sinh động cho loại hiểm họa “nước va” này. Trên đường ống dẫn nước sông Đà diễn ra tới 6 “vụ nổ” nhưng rất may là diễn ra trong lòng đất nên không gây tổn thương sinh mạng nhưng đã gây tổn thất về kinh tế và xã hội.
Đã có “ thuốc chữa “ cho Vinaconex
Biểu hiện “ lâm sàng “ cho thấy qua mỗi trận mưa bắt đầu nắng lên là lập tức vỡ ống. Nhu cầu dùng nước cho sinh hoạt, sản xuất trước và sau khi mưa có khác nhau nên việc đóng mở van hoặc điều khiển bơm tăng giảm đột ngột đã gây nên áp lực nước va.
Để tránh lặp lại sự cố, biện pháp tích cực khẩn trương lúc này là cần lắp đặt van chống lại áp lực nước va.
Van xả áp - RAF chống nước va dạng thủy lực hoạt động dựa trên áp lực đường ống chính và được kiểm soát bởi cụm van điều khiển (pilot). Cụm điều khiển bao gồm màng có lò xo điều khiển. Bình thường van chống nước va đóng kín, chỉ khi áp lực đường ống chính tăng cao hơn mức giới hạn cài đặt, van chống va sẽ tự động điều khiển mở ra. Hiện tượng nước va bắt đầu xảy ra khi có một sự sụt áp tương đối trong đường ống chính lúc đó van chống va sẽ tự động mở ra. Sau khi áp lực quay hồi ngược lại, van chống va vẫn đang mở và xả ra làm giảm áp lực cột nước do vậy sẽ giảm nhẹ tác động của áp lực.
Sự cố vỡ ống nước tuyến chính tới 6 lần gây ra tổn thất về kinh tế cho chủ đầu tư và làm ảnh hưởng sản xuất kinh doanh của hàng nghìn nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất từ trồng trọt đến chăn nuôi và làm xáo trộn cuộc sống của hàng vạn cư dân đô thị. Kinh nghiệm cho thấy ở nhiều thành phố nước ta, các công ty cấp nước dù có dùng đến loại ống thép tốt nhập ngoại đường kính 760, họ cũng đã thận trọng lắp đặt loại van này để giảm áp cho đường ống để tránh sự cố.
Hy vọng cách này góp phần giúp chủ đầu tư là Tổng công ty cổ phần Vinaconex tìm ra nguyên nhân chính của sự cố để khắc phục đảm bảo tính bền vững lâu dài cho cuộc sống hàng vạn cư dân và tránh tổn thất về kinh tế .
Việc quan trọng nhất là nếu chưa lắp thiết bị này thì phải nhanh chóng lắp ngay và cũng cần có quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt về vận hành bơm và đóng mở van nước. Nếu sau khi lắp thiết bị này mà còn vỡ ống thì mới kết luận do chất lượng ống không đủ sức chịu lực để có giải pháp căn cơ mà không còn phải lưỡng lự chạy theo “chữa cháy” thụ động tới mức “vỡ đâu vá đấy”.
>>Xem thêm: Người dân Hà Nội thức đêm xin nước
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây