Chiều 1/4, đường ống nước sạch Sông Đà về Hà Nội lại bị vỡ khiến cuộc sống của hơn 70.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
Đáng nói hơn khi đây là lần thứ năm đường ống nước sạch Sông Đà về Hà Nội bị vỡ gây rất nhiều khó khăn cho người dân thủ đô. Ai cũng biết mất nước sạch sẽ dẫn đến ảnh hưởng và sự khổ sở thế nào cho người dân. Nhưng không hiểu vì sao, một đường ống quan trọng như vậy lại liên tục vỡ.
Điều đáng nói là cả 4 lần trước khi sự cố xảy ra, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư xây dựng kinh doanh nước sạch (Viwaco) đều có cách giải thích giống nhau về nguyên nhân làm ống vỡ là do ống nước đi qua khu vực nền đất yếu, cộng với việc gần đường cao tốc nên đường ống bị rung và dịch chuyển gây vỡ ống. Không cần phải là một chuyên gia quá am hiểu về kỹ thuật cũng có thể thấy được sự thiếu hợp lý trong lời giải thích trên.
Là một người ngoài nghề, tôi xin được đặt ra vài câu hỏi dưới góc nhìn của một người dân bình thường, hàng ngày vẫn phải sử dụng nước từ đường ống Sông Đà và luôn phải lo sợ cho số phận của đường ống quá mong manh này.
Thứ nhất, nền đất của đường ống nước sạch có thực sự yếu?
Nếu xây dựng một đường ống quan trọng như vậy ở một nơi có nền đât yếu liệu có quá mạo hiểm? Tại sao trong khi khảo sát địa chất, vấn đề này không được tính đến mà lại để đến khi công trình đã đi vào sử dụng và gặp sự cố mới mang nguyên nhân này ra để bao biện. Dù thế nào đi nữa thì đây cũng là lỗi chủ quan của con người, không thể đổ hết cho nền đất vô tri.
Nền yếu thì phải có phương án gia cố cho đủ tải trọng của ống và đất phía trên và phải làm trụ đỡ chắc chắn chứ không thể chỉ biết đổ lỗi. Và trong khi nền đất chưa thể ổn định lên thì đường ống vẫn cứ tiếp tục vỡ và người dân phải chịu hậu quả đầu tiên.
Thứ hai, không thể đổ lỗi vỡ đường ống nước cho đại lộ Thăng Long
Đổ lỗi vỡ đường ống nước cho tuyến Đại lộ Thăng Long cũng không thuyết phục. Việc nền đât ở đây yếu đã từng được đưa ra bàn luận từ khi bắt đầu làm đường và đã có biện pháp để khắc phục. Tuyến đường chạy qua nhiều vùng địa chất khác nhau, đặc biệt là đoạn chạy qua nền đất yếu. Đơn vị thi công đã phải xử lý nền đất yếu rất tốn kém và mất thời gian cho đến khi nền ổn định mới xây dựng công trình.
Hơn nữa đường ống nước sông Đà được đặt cách vai đường Láng - Hòa Lạc khá xa, nên đường ống không nằm trong nền đường cao tốc, do đó cũng không thể nói nền đường Đại lộ Thăng Long gây sụt lún ảnh hưởng vỡ đường ống.
Thứ ba, tại sao lại xây một đường ống quan trọng như vậy một cách “độc đạo”
Hiện hơn 47,5km đường ống được coi là "độc đạo” từ Nhà máy Nước sạch sông Đà về đến Hà Nội nên mỗi lần xảy ra sự cố, việc cấp nước sẽ phải dừng lại và phạm vi ảnh hưởng rất lớn.
Không hiểu vì sao một công trình có thể coi là vô cùng quan trọng như vậy lại chỉ có một đường dẫn nước. Bất kể có một sự cố gì dù vô tình hay hữu ý cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấp nước cho người dân thủ đô. Bằng chứng rõ ràng nhất là đến thời điểm này, đường ông nước đã vỡ đến năm lần.
Một đường ống nước quan trọng với Hà Nội như vậy nhưng lại quá hay xảy ra sự cố. Mỗi lần mất nước là cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn, mỗi bình nước đều trở nên quý như vàng vậy. Thay vì đi tìm các nguyên nhân đổ lỗi cho sự cố vỡ đường ống này thì đơn vị quản lý nên tìm cách khắc phục nó thì hơn.
> Xem thêm: Người dân Hà Nội thức đêm xin nước