Lâu rồi tôi mới dó dịp đi dọc theo con đường Ô Chợ Dừa – Xã Đàn – Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân ở Hà Nội, và nhận thấy có rất nhiều bất cập. Nhiều người gọi đây là con đường "vành đai 1", hay đường "xuyên tâm" thành phố. Xuyên tâm thì không chính xác lắm, vì nó đi hơi chếch bên ngoài trung tâm thành phố, nhưng đó là con đường trục quan trọng mà người dân thủ đô phải sử dụng, khi đi từ giữa thành phố (khu Hoàng Cầu) về phía Đông.
Thực ra về phía Tây, Hà Nội có con đường huyết mạch là Đê La Thành và La Thành, nối lên đến nút giao Voi Phục – Kim Mã. Nhưng đây là một con đường hẹp, thường xuyên ùn tắc. Dù đã có dự án mở rộng đường Hoàng Cầu – Voi Phục, nhưng cũng chưa biết đến lúc nào mới khởi công, bao lâu mới hoàn thành, nên tôi chỉ bàn về nhánh phía Đông mà thôi.
Và khi di chuyển trên con đường vành đai này, mới thấy hóa ra các phương tiện lưu thông theo đường ngang lại chẳng được ưu tiên chút nào. Ví dụ như ngay nút giao Ô Chợ Dừa. Tôi đếm đồng hồ trên đèn giao thông: hướng đi ngang chỉ được bật đèn xanh có 19 giây, rồi chờ 89 giây. Trong khi đó, hướng dọc từ Nguyễn Lương Bằng lên Tôn Đức Thắng được mở đèn xanh lâu hơn: hôm thì 46 giây, hôm thì 54 giây... Thành ra, ở hướng đi ngang, giờ cao điểm nào cũng ùn tắc, xe cộ dồn ứ, phải chờ 3-4 lượt đèn xanh mới qua được nút giao này. Còn nếu hôm mưa, có khi 7-8 lần đèn xanh mới qua được.
>> 'Gom xe buýt và BRT vào chung một làn, đường sẽ hết tắc'
Các nút giao tiếp theo cũng vậy, nút giao Nam Đồng, tôi phải dừng. Ngã ba Phạm Ngọc Thạch, lại dừng trên 80 giây. May mắn khi có hầm Kim Liên ở nút giao kế tiếp, nhưng ra khỏi hầm, đến ngã ba Nguyễn Đình Chiểu, lại dừng... Đi tiếp mới thấy con đường này, có những cầu vượt như nút giao Trần Khát Chân – Bạch Mai, nút Kim Ngưu – Lò Đúc, mới thấy giá trị như thế nào. Do đó, những ai lưu thông theo hướng từ ngoài đê vào, mới thấy "thèm" những cầu vượt thép qua những nút giao chưa có.
Đặc biệt, nút giao phức tạp Ô Chợ Dừa, mấy năm trước, thành phố đã có dự án xây một cầu vượt thép nhiều nhánh, chắc chắn sẽ rất có giá trị trong việc xóa ùn tắc giao thông, giúp cho hàng vạn con người lưu thông thuận tiện mỗi ngày, nhưng đến giờ vẫn mãi không thấy đâu. Nghe nói, chỉ vì dưới ngã tư có dấu vết một di tích lịch sử, hình như là đền thờ thần Xã, thần Tắc. Nhưng di tích cũng chưa thấy khai quật, giờ chỉ là một đảo giao thông trồng cây cảnh, trong khi một cây cầu vượt phục vụ đời sống sinh hoạt thì mãi vẫn bị trì hoãn.
Chẳng lẽ các nhà quy hoạch không nghĩ ra cách nào để khắc phục điều này sao?
Bên cạnh con đường ngang, mỗi khi đi từ trung tâm Hà Nội ra phía ngoại thành, theo các con đường "hướng tâm" như Nguyễn Trãi, Láng Hạ - Lê Văn Lương – Tố Hữu, Trần Duy Hưng... tôi cũng có ý nghĩ tương tự: thành phố nên đầu tư nhiều cầu vượt tại các giao lộ theo hướng này.
>> Làn ưu tiên xe buýt Hà Nội - không thể bàn lùi
Thậm chí, như ở Bangkok, Thái Lan, tôi thấy những con đường như Lê Văn Lương - Tố Hữu, người ta xây luôn đường trên cao, mà cho tư nhân đầu tư xây BOT luôn. Nguyên tắc của họ là muốn đi từ Ba Đình về Hà Đông, cứ lên đường đó mà chạy thẳng một mạch, rồi trả phí. Hằng ngày, nhìn dòng người trong giờ cao điểm, sáng thì nhích từng mét, dồn cục tại các ngã tư, để đi vào nội thành, chiều thì ở hướng ngược lại, tôi cũng toát cả mồ hôi.
Có lẽ các nhà quản lý, nhà quy hoạch đã hiểu cái giá của việc cho phép xây dựng quá nhiều chung cư, đô thị hai bên những con đường huyết mạch như thế này rồi. Bây giờ, liệu họ có cách nào để tháo gỡ vấn đề giao thông của thành phố không?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.