Xung quanh quan điểm của Sở Giao thông vân tải Hà Nội: 'Phải ưu tiên xe buýt giờ cao điểm', nhiều độc giả VnExpress bày tỏ sự đồng tình, và cho rằng thành phố cần làm mạnh tay để giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài suốt nhiều năm qua:
Chẳng ai muốn đi làm bằng xe máy khi mà đường đông, không khí ô nhiễm nhưng vì lý do hiện nay xe buýt di chuyển quá chậm nên bắt buộc phải đi xe máy. Nếu có làn riêng cho xe buýt để tăng tốc độ, tăng tần suất di chuyển, tôi tin mọi người sẽ dần bỏ xe máy để đi xe buýt. Gì chứ giờ ra đường nhìn thấy xe máy như "đại dịch châu chấu" cũng phát sợ.
Vì đường Tố Hữu có hẳn hai làn xe buýt gồm buýt nhanh và buýt thường, gom hai cái đó vào làm một sẽ thấy khác ngay. Ưu tiên làn riêng xe buýt là phù hợp với xu thế phát triển, tuy nhiên các công trình phụ trợ cũng phải đồng bộ, ví dụ: vỉa hè đi bộ, cầu đi bộ... Nhiều người hiện không chọn đi xe buýt vì khi xuống xe họ không có lối để đi.
Thêm nhiều tuyến đường riêng dành cho xe buýt là cần thiết nhưng lực lượng chức năng phải xử lý triệt để các phương tiện khác lấn làn. Làn dành riêng phương tiện công cộng luôn luôn thông thoáng và ùn tắc phần đường còn lại là cần thiết để từ đó người dân hạn chế phương tiện cá nhân. Di chuyển bằng xe công cộng nhiều hơn nhanh hơn và thuận tiện hơn phương tiện cá nhân.
Đã làm thì làm cho triệt để, không thì thôi. Tuyến buýt riêng rất hợp lý, nhưng phải đảm bảo mọi khung giờ đều không có bất cứ phương tiện khác đi vào. Dù như thế có thể làm cho giờ cao điểm ùn tắc, nhưng như thế dân mới dần bỏ phương tiện cá nhân để đi xe buýt. Hiệu quả xã hội khi đó mới cao.
Ưu tiên xe buýt là đúng vì trên xe buýt có tới 35-40 hành khách/ đơn vị xe, còn ở dưới đường có khoảng 300 người nhưng trên khoảng 200 đơn vị xe nên không thể ưu tiên cho số này được. 35 người đi xe buýt cần được đi trước để đi làm đúng giờ, còn 300 người kia đi xe cá nhân tự làm khổ mình và không cần đi làm đúng giờ.
Cứ làm đường cho xe buýt. Phương tiện khác đi vô thì ra luật phạt nặng. Dù bị kẹt từ sáng tới tối cũng làm. Khi đó người nào chịu không nổi thì bắt buộc phải đi xe buýt. Lúc đó ta cứ tăng chuyến xe buýt lên. Đảm bảo sau một tháng kẹt liên tục chịu không nổi họ sẽ phải đi xe buýt.
Tôi ủng hộ ý kiến dành riêng một làn cho xe buýt. Nhưng đồng thời nên nâng cấp chất lượng xe buýt và tần suất. Vì hiện nay xe buýt quá cũ kỹ, mùi dầu máy. Nên thay bằng buýt điện hoặc buýt gas. Khi đi xe buýt thuận tiện thì tự động người dân sẽ ủng hộ.
Ủng hộ phân làn riêng cho xe buýt. Tuy nhiên, cũng phải dẹp vỉa hè cho người đi bộ. Muốn đi xe buýt nhưng nghĩ tới cảnh đi bộ dưới lòng đường, đi bộ trên vỉa hè cùng với xe máy, ôtô mà sợ. Nếu Hà Nội đã làm thì làm đến cùng.
Tất cả mọi giải pháp đưa ra đều vô nghĩa khi bỏ qua 3 bước : nguyên nhân chính, đồng bộ, ý thức.
1. Nguyên nhân chính: là do xe máy, ôtô, hay mật độ dân số quá cao?
2. Đồng bộ: là giải pháp, phương tiện, luật pháp phải song hành. Ví dụ: giải pháp làm đường xe buýt riêng thì buýt nhanh BRT và buýt chậm sẽ chạy cùng một làn và phải có giải phân cách, nếu bất kỳ phương tiện nào cố tình vi phạm thì xử phạt thật nặng.
3. Ý thức: chúng ta cần tuyên truyền rộng rãi, kèm theo đó là tuyên truyền luật và mức phạt cao để cảnh cáo... Hiện nay, chúng ta chỉ lo phần ngọn, trong khi phần gốc đó là mật độ dân số thì ta không quan tâm. Cứ giải phóng được khu đất nào thì khu đó thành chung cư. Thử hỏi với cùng diện tích đất đó là một nghìn người nhưng khi biến thành chung cư thì sẽ gấp 5-7 lần trong khi diện tích mặt đường không thay đổi thì không tắc mới lạ.
Nên làm làn riêng cho xe buýt chứ không gì chỉ riêng buýt nhanh, vì mỗi lần buýt ra vào trạm đón khách là sẽ kẹt xe. Đặt vấn đề kẹt xe do đâu? Do phương tiện phía trước chặn (ví dụ như xe buýt dừng đón khách, do tai nạn giao, do người tham gia cãi nhau,...) phía sau không di chuyển được gây ra hiệu ứng dây chuyền nên kẹt xe. Tìm ra được vấn đề thì mới giải quyết được nó.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.