Đọc bài viết 'Không ai ép bệnh nhân dùng phòng dịch vụ giá cao tại bệnh viện' của tác giả Lâm, tôi có một vài câu hỏi sau đây:
Thứ nhất, "phòng dịch vụ giá cao" được đặt ở đâu: trong hay ngoài khuôn viên của bệnh viện công? Chắc chắn là đặt trong khuôn viên bệnh viện (được xây trên đất công và bằng tiền thuế của người dân, ngân sách của Nhà nước, chứ không phải tự nhiên mà có).
Thứ hai, nhân lực phục vụ cho "phòng dịch vụ giá cao" ở đâu ra? Chắc chắn là các bác sĩ, nhân viên y tế, nhân viên kỹ thuật và đội ngũ hỗ trợ khác lấy từ bệnh viện công. Nhà nước tốn tiền ngân sách để đào tạo y bác sĩ và trả lương cho họ hàng tháng để phục vụ bệnh viện, người dân. Nếu đồng lương ấy không đủ cho họ sống thì nên đề xuất tăng lương hoặc ra làm cho các bệnh viện tư, chứ mở ra những "phòng dịch vụ giá cao" để làm gì?
>> Có cần phòng dịch vụ giá khách sạn khi bệnh nhân nghèo phải nằm hành lang?
Thứ ba, trang thiết bị khám chữa bệnh ở đâu ra? Cũng lấy từ bệnh viện công. Đồng nghĩa với việc, những bệnh nhân bình thường sẽ phải chia sẻ cơ sở vật chất với các bệnh nhân sử dụng dịch vụ.
Thứ tư, giờ giấc phục vụ cho "phòng dịch vụ giá cao" ở đâu? Xin thưa, cũng lấy từ giờ làm việc của bệnh viện. Vậy tại sao tạo ra "phòng dịch vụ giá cao" trong bệnh viện công trong khi người dân khám bảo hiểm vẫn phải chờ đợi vì quá tải?
Nếu các cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh y tế, hãy mở các bệnh viện tư nhân, cung cấp các dịch vụ y tế với giá cao. Còn ở đây, tất cả mọi thứ (giờ giấc, phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất, nhân sự) đều cắt từ bệnh viện công thì tạo ra sự "phòng dịch vụ giá cao" mang lại lợi ích gì cho người bệnh?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.