Một tài xế thuộc Công ty vận tải ở Hà Nội vừa khiếu nại đến Cảnh sát giao thông Hà Tĩnh về việc nhiều lần bị lập biên bản xử phạt nguội với lỗi chạy quá tốc độ trên quốc lộ 1A. Anh này cho rằng, hệ thống camera giám sát của Cảnh sát giao thông có vấn đề khi thời điểm lực lượng chức năng ghi nhận xe tải mắc lỗi vượt quá tốc độ, thì hệ thống giám sát hành trình (GPS) trên xe tải lại cho con số xe chạy đúng quy định cho phép.
Giải thích về việc trên, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho rằng lực lượng chức năng làm đúng theo quy định, việc xử phạt bằng hệ thống camera là đúng người, đúng hành vi và công khai.
Theo đại diện Cục CSGT, hiện hệ thống hình ảnh từ camera trên quốc lộ được kiểm định và nằm trong danh mục Chính phủ cho phép áp dụng để xử phạt hành chính, còn hệ thống đo tốc độ trên thiết bị giám sát hành trình (GPS) không nằm trong danh mục làm căn cứ xử phạt lỗi quá tốc độ.
Ngoài ra, các thiết bị camera có tích hợp chức năng đo tốc độ của cảnh sát giao thông đều qua kiểm định, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đo lường theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cơ chế hoạt động khác nhau cho ra kết quả khác nhau
Đại diện Cục CSGT cho rằng xét về mặt về tính năng, cơ chế hoạt động của hệ thống đo tốc độ có ghi hình và hệ thống giám sát hành trình cũng hoạt động khác nhau. Hệ thống đo tốc độ có ghi hình ảnh mà CSGT sử dụng là thiết bị chuyên dụng sử dụng sóng âm (nguyên lý radar) hoặc sử dụng sóng ảnh.
Máy đo phát sóng đến xe đang chạy và thu về sóng phản xạ để cho ra kết quả chính xác là tốc độ tức thời của xe đang di chuyển. Công nghệ này được CSGT các nước trên thế giới đang sử dụng.
Trong khi đó, tốc độ mà hệ thống giám sát hành trình có được thông qua việc sử dụng máy thu tín hiệu định vị vệ tinh GPS, xác định khoảng cách và thời gian di chuyển của phương tiện giữa 2 điểm để tính trị số trung bình tốc độ phương tiện.
Mặt khác, độ chính xác của thiết bị GPS phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thời gian xác định vị trí, độ nhạy thu tín hiệu của thiết bị; số lượng vệ tinh mà thiết bị định vị GPS thu được… Thậm chí cả yếu tố thời tiết (mưa, gió lớn…) hay khi phương tiện hoạt động tại khu vực có nhiều nhà cao tầng, cây cối, núi đá, đường hầm cũng ảnh hưởng tới kết quả đo tốc độ, vì tín hiệu bị nhiễu, trễ hoặc mất hoàn toàn.
"Như vậy, việc đo tốc độ phương tiện tại một thời điểm khi sử dụng hai hệ thống thiết bị trên sẽ có sự khác nhau và điều quan trọng hơn nữa là kết của của hệ thống GPS không làm căn cứ để xử lý vi phạm tốc độ theo quy định của pháp luật", vị đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.
Kết quả từ hệ tống GPS chưa là căn cứ để xử phạt hành chính
Theo ông Đỗ Công Thủy, Phó vụ trưởng Vận tải (Tổng cục Đường bộ), hệ thống GPS bắt buộc lắp đặt trên các xe kinh doanh, vận tải để giám sát việc chở quá tải, quá số người quy định, sai tuyến và sai điểm, quá tốc độ.
Về độ chính xác của thiết bị này, ông Thủy cho biết, đây là hệ thống có độ tin cậy cao và công nghệ GPS được nhiều nước sử dụng để giám sát hoạt động kinh doanh vận tải. Tuy nhiên theo ông Thủy, ở Việt Nam hiện chưa có cơ sở pháp lý hướng dẫn xử lý hành chính chủ phương tiện chạy quá tốc độ qua hệ thống GPS mà mới chỉ xử lý ở mặt trách nhiệm, như thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm trong thời gian một tháng...
Theo một số chuyên gia luật, tài xế vi phạm khi không đồng ý kết quả của cảnh sát có thể khiếu nại, trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết thì có thể khiếu nại lên cấp cao hơn và khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án.