1. Bệnh tay chân miệng bùng phát, địa phương e dè công bố dịch:
Xuất hiện từ vài năm trước, nhưng đến năm nay bệnh tay chân miệng mới bùng phát mạnh, lan rộng trên cả nước và trở thành nỗi lo của tất cả ông bố bà mẹ. Tháng 8, bệnh lan ra 49 địa phương, với hơn 29.000 ca, 79 trẻ tử vong, thì đến tháng 11, cả nước đã ghi nhận hơn 90.000 trường hợp mắc bệnh với 153 em bé tử vong. Hàng loạt trường học tại ở các 3 miền Bắc, Trung, Nam phải đóng cửa vì bệnh lây lan chóng mặt. Các chuyên gia và các bác sĩ đã cảnh báo về việc đã đến lúc ngành y tế công bố dịch.
Tuy nhiên, trong những tháng cao trào đó, hầu như tất cả địa phương đều khẳng định bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát, chưa cần thiết phải công bố dịch. Tháng 11, Ninh Thuận là tỉnh duy nhất "can đảm" ra tuyên bố này, toàn bộ nhân lực tập trung cho việc dập dịch. Giữa tháng 12, tỉnh công bố hết dịch.
Đoàn công tác Bộ y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín |
Bộ Y tế cho rằng quyền công bố dịch là của các địa phương và đưa ra hướng dẫn cụ thể, song nhiều chuyên gia cho rằng, bản thân Bộ Y tế cũng chưa đóng tốt vai trò đầu tàu, góp phần khiến bệnh lan nhanh khó kiểm soát.
2. Bác sĩ liên tiếp bị người nhà bệnh nhân hành hung, khiếu kiện:
Bác sĩ cấp cứu được coi là nghề nguy hiểm khi có không ít vụ hành hung mà họ là nạn nhân của người nhà bệnh nhân. Ảnh: P.N. |
Năm 2011 là năm "kỷ lục" của ngành y về số vụ xung đột giữa bệnh nhân với bác sĩ cũng như số đơn khiếu kiện thầy thuốc. Hàng loạt bác sĩ bị người nhà bệnh nhân tấn công tại nơi làm việc, như nhân viên cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai bị chửi mắng, đạp vào bụng, bác sĩ bệnh viện đa khoa Vũ Thư (Thái Bình) bị đâm chết, một số người bị rượt đánh... khiến những người làm nghề y hoang mang. "Mình làm nghề cứu người mà không được ai bảo vệ", một bác sĩ bày tỏ.
Tuy nhiên, một số người cho rằng những hành động trên là do tức nước vỡ bờ, vì sự giao tiếp không tốt, thái độ vô trách nhiệm của những người làm nghề y. Năm qua cũng chứng kiến hàng chục vụ kiện tụng liên quan đến y đức và chuyên môn của người thầy thuốc, để lại những hậu quả nghiêm trọng như thai phụ tử vong, người bệnh phải cưa chân, hay bệnh nhân mổ thận trái lại cắt bị luôn cả thận phải...
Trong đa số vụ việc, kết luận cuối cùng của cơ chức năng cũng khẳng định phần lỗi không nhỏ thuộc về phía bệnh viện, trong đó bao gồm cả sự tắc trách, thái độ lơ là, lẫn trình độ chuyên môn... của người thầy thuốc.
3. Sai phạm tại các phòng mạch Trung Quốc:
Giá khám chữa bệnh "trên trời", quảng cáo một đằng, thực tế một nẻo... là những thực tế được ghi nhận tại không ít phòng khám có yếu tố nước ngoài ở cả Hà Nội và TP HCM năm qua, khiến nhiều người bức xúc.
Từ đơn khiếu nại của một nữ công nhân về việc chị phải tốn tới 12 triệu đồng cho 4 ngày điều trị phụ khoa tại một cơ sở ở Thái Thịnh, Sở Y tế Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra. Kết quả, trong số 13 phòng khám có yếu tố nước ngoài, thanh tra sở đã xử phạt 7 cơ sở. Hai bác sĩ người nước ngoài khám chữa bệnh về sản phụ khoa, trĩ bị phát hiện hành nghề khi chưa có giấy phép.
Tuy nhiên, sau khi bị "tuýt còi", một số phòng khám này vẫn tiếp tục "chém" khách. Trong đợt tái kiểm tra giữa tháng 11, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội lại phát hiện sai phạm tại 2 cơ sở và tiếp tục xử phạt.
Tại TP HCM, Sở Y tế cũng nhận được nhiều phản ánh bức xúc của người dân về việc không ít phòng khám lương y không đeo biển tên, chỉ hỏi qua quýt bệnh nhân mà số tiền tạm ứng điều trị lại cao. Một số phòng khám hoạt động và quảng cáo do lương y nước ngoài đảm trách nhưng không có phép hoạt động.
4. Năm bệnh viện cam kết 'nói không với phong bì'
Từ cuối tháng 9/2011, 5 bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội là Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản Trung Ương, bệnh viện K và E bắt đầu thí điểm thực hiện "nói không với phong bì". Nhiều người đặt câu hỏi về tính khả thi của phong trào này, khi lâu nay việc đưa và nhận phong bì đã trở thành chuyện thường ngày ở các bệnh viện tuyến trên.
Mặc dù các bệnh viện đều khẳng định từ lâu đã rà soát gắt gao nạn nhận phong bì của nhân viên y tế, nhưng thực tế ngay cả sau khi ký cam kết trên, chuyện bệnh nhân, người nhà đưa tiền cho bác sĩ, y tá vẫn tiếp diễn khá phổ biến...
Các bác sĩ, y tá Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang thăm khám cho bệnh nhân nặng. Đây là một trong những đơn vị thực hiện nghiêm túc "nói không với phong bì" từ lâu. Ảnh: Minh Thùy |
Về thực trạng này, chính những người trong ngành y cũng có ý kiến trái chiều. Không ít bác sĩ cho rằng " phong bì hối lộ thì không, cám ơn thì được" và muốn chấm dứt nạn này, cảbệnh nhân cũng phải kiên quyết nói "không". Các bác sĩ cũng thừa nhận, tệ phong bì không thể một sớm một chiều chấm dứt.
Nói về gốc rễ của nạn phong bì trong ngành y, cố bộ trưởng Y tế Phạm Song cho rằng, nguyên nhân là sự quá tải của các bệnh viện tuyến trên. Thực tế, trong ngành y có khá nhiều bác sĩ xem nhẹ chiếc phong bì, vẫn luôn tận tình cứu chữa cho bệnh nhân mà không màng đến tiền hối lộ, trả ơn. Nhiều độc giả bày tỏ sự trân trọng với những lương y thực sự này.
Vương Linh