Giáo sư Phạm Song là Bộ trưởng Y tế Việt Nam giai đoạn 1988-1992. Ảnh: Minh Thùy |
- Từng là Bộ trưởng Y tế Việt Nam thời điểm 1988-1992, giai đoạn đầu mở cửa thị trường, ông nhận định gì về hiện trạng phong bì ở các bệnh viện hiện nay và thời điểm đó?
- Trước hết phải phân biệt rõ hai điều: phong bì để cảm ơn người thầy thuốc hay phong bì vì muốn nhanh được việc, vì bị "gợi ý". Nếu theo nghĩa thứ nhất, rõ ràng đó là truyền thống tốt đẹp, cần được đề cao. Sinh mạng và sức khỏe con người là thứ quý giá nhất, sao lại không biết ơn những người đã cứu mình?
Thời tôi không có phong bì. Tôi chưa từng nhận của ai và cũng không thấy hồi ấy các anh em trong ngành nhận phong bì. Nhưng người ta vẫn luôn có cách thể hiện tấm lòng của mình.
Thời bao cấp, khi đang làm lãnh đạo tại Bệnh viện Việt Xô - nơi điều trị cho các cán bộ cấp vụ trở lên, cứ Tết đến là tôi được bệnh nhân biếu kẹo ăn 6 tháng sau mới hết. Bản thân tôi, khi đang là giám đốc bệnh viện, lúc đi chữa răng, tôi luôn mang theo gói kẹo, hộp thuốc để cảm ơn bác sĩ. Đó là cái tình của bệnh nhân với người chăm sóc mình. Tôi nghĩ cần khuyến khích sự biết ơn của bệnh nhân với thầy thuốc dù ở cương vị nào.
Ngày nay, nhiều người dùng phong bì để cảm ơn sự cứu chữa của bác sĩ. Đó cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, lại cũng sinh ra chuyện muốn được điều trị sớm, muốn được an toàn thì phải có phong bì mới mong mọi việc thuận lợi, rồi có bác sĩ cố tỏ thái độ để được nhận phong bì... đó là điều không thể chấp nhận.
Dòng người chen chúc đứng xếp hàng trả viện phí tại Bệnh viện Việt Đức. Theo một số chuyên gia, chính sự quá tải này làm phát sinh nạn phong bì. Ảnh: Minh Thùy |
- Theo ông phong bì trong bệnh viện xuất hiện từ bao giờ và nguồn gốc sinh ra "nạn" này là gì?
- Có lẽ phong bì bắt đầu xuất hiện từ năm 2000 trở đi, rồi cứ thế trở nên phổ biến dần, khi các bệnh viện trở nên ngày càng quá tải. Thật ra điều này cũng phản ánh một mặt tích cực là đời sống người dân được nâng cao, mọi người biết chăm lo đến việc khám chữa bệnh của họ hơn.
Tôi cho rằng gốc rễ đầu tiên của phong bì chính là sự quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương. Tôi có ông bạn, cũng là giáo sư, có thẻ khám ở Bệnh viện Hữu Nghị. Ông phải đi từ 6h sáng để xếp hàng lấy phiếu, nhưng họ phát tới số 50 thì hết lượt nên ông phải về, đợi tới mai. Đó là ông ấy ở Hà Nội, và có điều kiện, chỉ đi xe ôm hay taxi 10 phút từ nhà tới viện. Tôi vào viện K thăm người quen, nhờ chính giám đốc viện dẫn đi mà cũng phải chen chúc mãi mới tới nơi. Rồi bệnh viện Việt Nhật, Viện tim mạch... cũng đông không kém. Khi nhu cầu quá lớn, mà ai cũng muốn được việc mình trước, sẽ sinh ra tệ nạn phong bì thôi.
Nguyên nhân thứ hai là đời sống cán bộ thiếu thốn quá. Lương y tế quá thấp, đứng thứ 16/18 ngành nghề, trong khi họ phải mất nhiều thời gian đào tạo và công việc chịu sức ép rất lớn. Ở các nước khác, lương bác sĩ rất cao, chỉ đứng sau phi công. Trong khi, như một nhân vật lịch sử từng nói "không đủ ăn đủ mặc không thành quân tử". Cái này là lỗi của cơ chế.
Thứ ba phải nói tới văn hóa ứng xử, trong đó có văn hóa đối xử với bệnh nhân của ta.
Điều cuối cùng nhưng không thể không nói tới, đó là tư cách của một con người. Đạo đức cá nhân rất quan trọng. Không có đạo đức mới móc ngoặc với ngành dược kê thật nhiều thuốc cho người bệnh, mới bày ra đủ xét nghiệm lấy tiền, vòi vĩnh để có phong bì... Khi đã không có đạo đức thì dù có bao nhiêu luật, định cũng chẳng có tác dụng gì.
- Từng đi qua nhiều nước, ông thấy tình trạng phong bì ở các nước khác như thế nào?
- Tôi đã qua Bỉ, Anh, Pháp, Hà Lan nhưng chưa thấy ở đâu có chuyện phong bì như nước ta. Tôi ở trong một bệnh viện Hà Lan hơn một năm, thấy khi bệnh nhân ra viện, người nhà tới tặng hoa, cảm ơn bác sĩ, y tá... còn nhân viên y tế thì tiễn người bệnh về. Rồi một giáo sư sau khi soi dạ dày cho bệnh nhân thì rút giấy lau sạch cho họ rồi hỏi han, dặn dò người bệnh sau khi về nhớ gọi điện khi cần hỏi. Mọi việc diễn ra rất nhẹ nhàng. Đó là văn hóa chung, được vận chung trong ngành y. Tôi chỉ ao ước điều đó có được ở mình.
Nói đi cũng cần phải nói lại, lương giáo sư ở bên đó, từ năm 1976, đã vào khoảng 6.000 USD. Họ không việc gì phải lèo nhèo người bệnh. Có lẽ do văn hóa chung của dân tộc cộng với mức đãi ngộ của họ với nhân viên y tế rất tốt. Thời bao cấp của chúng tôi, văn hóa này cũng rất được coi trọng, khi bác sĩ chỉ biết hết lòng phục vụ chiến sĩ, nhân dân.
Viện nhi Trung ương cũng rất đông bệnh nhân. Ảnh: Minh Thùy |
- Nhiều ý kiến cũng cho rằng thu nhập thấp của nhân viên y tế làm phát sinh vấn nạn phong bì, vậy theo ông, đãi ngộ cho họ như thế nào là thỏa đáng?
- Chúng ta trở lại vấn đề về đạo đức và lối sống, với khái niệm "đủ ăn đủ mặc". Khái niệm này mỗi thời mỗi khác. Như thời của tôi đó chỉ đơn giản là 3 bữa cơm, không thịt, có bộ quần áo lành lặn, có nơi để ở, đi đâu thì gửi chìa khóa cho hàng xóm... Nhưng bây giờ lại khác, nhiều người quan niệm "đủ" phải là có nhà, ôtô, con cái đi học nước ngoài, phải có ipod, ipad...
Vậy như thế nào là đủ tùy thuộc vào đạo đức, vào lối sống, quan niệm sống của mỗi người. Thực tế, nếu muốn làm giàu sẽ không vào ngành y. Đây là nghề mang tính nhân đạo, chứ không phải kinh doanh. Nhưng dẫu sao, cũng phải đáp ứng những nhu cầu tối thiểu như ăn, mặc, ở, đi lại... chứ định mức thế nào là đủ khó lắm.
Thật ra, một bác sĩ có tay nghề cao có thể không sống được bằng lương nhưng hoàn toàn có thể sống được bằng nghề. Tay nghề cao họ sẽ được trọng dụng, hay được mời đi mổ, khám thêm ở bệnh viện ngoài, mở phòng mạch tư... và làm giàu một cách chính đáng, và số tiền từ phong bì chẳng ăn thua gì. Tất nhiên "giàu" ở đây là nói trong mặt bằng ngành y, chứ không phải giàu như anh làm nghề kinh doanh. Bác sĩ, nếu làm việc chính đáng, giỏi lắm cả đời cũng chỉ tích cóp được 20 tỉ, chứ đâu có trăm tỷ, nghìn tỷ như những người làm nghề khác.
Thực tế, cả đội ngũ y tá, điều dưỡng mới khó có cách kiếm thêm và nên được hưởng chính sách đãi ngộ phù hợp.
- Cũng vì lo ngại vấn đề đạo đức mà mới đây Bộ Y tế đã đưa ra Bộ quy tắc ứng xử cho nhân viên y tế, trong đó có phát động bệnh viện nói không với phong bì, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc này?
- Tôi cho rằng việc này không thiết thực, phát động không thể giải quyết triệt để vấn đề. Điều ý nghĩa hơn là công đoàn y tế nên phát động toàn dân tập thể dục, tự chăm sóc sức khỏe để ít phải vào viện. Nói chung việc này không thể sốt ruột được.
Ứng xử của nhân viên y tế liên quan đến đạo đức. Ở lớp đại học của tôi có 76 người, hồi sinh viên thế nào thì tới già vẫn thế. Muốn rèn đạo đức, nhân cách thì phải làm từ nhỏ, lúc ở mầm non, chứ không phải khi vào trường y hay đã ra làm bác sĩ mới giáo dục, nâng cao. Khi vào tuổi trưởng thành, nhân cách con người đã định hình rồi, khó đổi lắm. Mà nghề y, điều quan trọng nhất là phải chọn người hướng thiện. Vì thế, công tác định hướng nghề nghiệp rất quan trọng.
Ngoài ra, cần tạo môi trường tốt cho người làm việc. Con người vốn có tính bầy đàn. Nếu anh chủ nhiệm khoa gương mẫu thì ắt sẽ ảnh hưởng tới nhân viên. Chọn người đứng đầu vô cùng quan trọng. Trong ngành y, ý nghĩa của việc này càng lớn. Đó phải là người có năng lực, lẫn đạo đức, mà số này đâu nhiều. Người đứng đầu sẽ lôi kéo tập thể, lan tỏa tầm ảnh hưởng.
Mỗi thời việc chọn người đứng đầu sẽ cân nhắc theo tiêu chí khác nhau, nhưng theo tôi thời này cần thiên về tài một chút, vì nếu không có tài sẽ không thể theo kịp thời đại, không thể làm được việc trước cơ chế phức tạp hiện nay.
- Cá nhân ông cho rằng cách nào sẽ giải quyết triệt để nạn phong bì bệnh viện?
- Mọi vấn đề phải được giải quyết từ gốc gác. Cái gì sinh ra phong bì thì cần xử lý cái đó. Để giảm tải bệnh viện, ngoài những việc như Bộ Y tế hiện nay vẫn đang làm như tăng cường y tế cơ sở tuyến dưới..., theo tôi cần giảm nhu cầu khám chữa bệnh. Muốn vậy, hãy phát động tinh thần tập thể dục, lối sống lành mạnh (bỏ bia rượu, thuốc lá)... - những thứ dễ khiến người ta phải vào viện nhiều như ở nước ta.
Việc tập thể dục rất quan trọng, như lời Hồ chủ tịch dạy: giữ cho khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như tôi ngày nào cũng tập 45 phút sáng, 45 phút chiều. Việc này phải do chính nguyên thủ quốc gia đứng ra phát động, chứ riêng Bộ Y tế khó làm. Ngoài ra cần tiến hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân để việc khám chữa bệnh sẽ công bằng, văn minh, không có chỗ cho phong bì chen vào.
Giáo sư, Viện sĩ Phạm Song sinh năm 1931 trong một gia đình công chức ở xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Năm 1982 ông làm Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô. Năm 1984, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Chủ nhiệm Bộ môn truyền nhiễm - Trường Đại học Y Hà Nội. Từ năm 1988 đến 1992, Giáo sư Phạm Song là Bộ trưởng Bộ Y tế. Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, chuyên gia tại Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới. |
Minh Thùy