Trong một cuộc họp bàn về vấn đề quốc phòng hôm 9/11 có sự tham dự của Tổng thống Vladimir Putin, truyền hình Nga đã vô tình để lộ một dự án siêu vũ khí tự động mang tên Status 6, trang bị cho tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân, có thể vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO.
Thông tin trên đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới phân tích quốc tế về sức mạnh thật sự của loại siêu ngư lôi này cũng như ý đồ thực sự của Nga đằng sau động thái "rò rỉ" đó, theo trang mạng Réseau international của Pháp.
Theo hình ảnh "vô tình" được tiết lộ, Status 6 là một loại ngư lôi trang bị "thiết bị đẩy tự động" có thể được phóng đi với vận tốc 185 km/h, đạt tầm bắn 10.000 km và tránh được mọi "thiết bị phát hiện sóng âm cùng các loại bẫy khác" của đối phương.
Quả ngư lôi có đường kính một mét này có thể được trang bị trên tàu ngầm lớp Oscar 949A, hoặc dự án tàu ngầm 09851, có khả năng được phóng đi từ độ sâu 1.000 mét.
Ngư lôi Status 6 có thể được trang bị một đầu đạn hạt nhân với lớp vỏ bằng siêu hợp kim sử dụng chất cobalt-59 mà "sau một phản ứng nổ có thể kích hoạt thành chất có độ phóng xạ cao là cobalt-60, với chu kỳ bán rã trên 5 năm", có thể gây nhiễm xạ trong thời gian dài quanh khu vực mục tiêu mà nó nhắm vào.
Sau khi quan sát thông số kỹ thuật từ hình ảnh bị rò rỉ, các chuyên gia quân sự Pháp nhận định đây là hệ thống vũ khí mới được trang bị cho tàu ngầm hạt nhân và dường như được thiết kế để chọc thủng các radar của NATO cùng những hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có trên thế giới, nhằm gây ra những thiệt hại nặng nề cho "các cơ sở kinh tế quan trọng" ở vùng ven biển đối phương.
RT cho hay loại vũ khí này dự kiến sẽ được hoàn thành trước năm 2019 và các vụ thử đầu tiên có thể được tiến hành trong năm 2019-2020.
Ý đồ răn đe của Nga
Chuyên gia phân tích quân sự Tyler Durden của trang Zero Hedge cho rằng ý nghĩa sâu xa của sự "rò rỉ thông tin" này là để truyền tải một thông điệp cảnh báo tới Mỹ trước kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn tên lửa (NMD) tới khu vực Đông Âu. Tới nay, Washington vẫn từ chối thương thảo với Moscow về hệ thống NMD mà Mỹ xây dựng cùng đồng minh châu Âu, đồng thời khẳng định mục tiêu thực sự của hệ thống này là Iran.
Nhưng khi mối đe dọa hạt nhân từ Iran đã được giải quyết bằng một thỏa thuận đa phương, Mỹ vẫn không có dấu hiệu muốn ngừng triển khai lá chắn này. Do vậy, dưới góc nhìn của Tổng thống Putin, Mỹ rõ ràng đang có ý định làm thay đổi cán cân quân sự thế giới.
Theo Durden, việc truyền thông Nga làm "rò rỉ" tài liệu mật trong cuộc họp giữa ông Putin với các tư lệnh cấp cao quân đội Nga thực ra là một nước cờ nằm trong tính toán của điện Kremlin.
Theo đó, một nhà báo Nga khó có thể thoải mái quay một đoạn phim về tài liệu mật đang được một vị tướng cầm trên tay, rồi sau đó được tổng biên tập duyệt và cho phát trên sóng truyền hình. Thông thường, những hình ảnh quay tại một cuộc họp có sự hiện diện của nhiều tướng lĩnh cấp cao phải được kiểm duyệt qua nhiều cấp trước khi đăng tải.
Với hành động "cố tình rò rỉ" này, Nga muốn nhắc nhở người Mỹ rằng nếu Washington cố sức chi hàng tỷ đôla để theo đuổi hệ thống phòng thủ tên lửa, Moscow có thể dễ dàng phát triển một loại vũ khí ít tốn kém hơn nhiều mà vẫn chọc thủng được phòng tuyến đó.
Theo giới phân tích, thông điệp từ điện Kremlin có thể hiểu là: "Đừng coi thường chúng tôi, loại ngư lôi có tầm bắn 10.000 km này không quá tốn kém để phát triển và người Nga chỉ cần sử dụng những công nghệ sẵn có để chế tạo nó".
Từ lâu, Nga coi việc Mỹ đưa NMD tới sát biên giới chính là giới hạn đỏ đối với an ninh quốc phòng. Do đó, Nga cần phải có câu trả lời thích đáng, trước hết là nhắc nhở Mỹ và các đồng minh Đông Âu về giới hạn này.
"Để đảm bảo Mỹ và đồng minh hiểu được thông điệp cứng rắn này, Nga phải chứng tỏ rằng kể cả khi hệ thống phòng thủ tên lửa NMD được hoàn thiện và đi vào hoạt động, nó cũng không thể ngăn chặn được vũ khí hủy diệt của Nga", Durden nhấn mạnh.
Nguyễn Hoàng