Ngày 2/9, các quan chức Lầu Năm Góc Mỹ tiết lộ 5 tàu quân sự của hải quân Trung Quốc đang hoạt động ngoài khơi bờ biển Alaska, trên vùng biển quốc tế thuộc biển Bering. "Đây là lần đầu tiên chúng tôi phát hiện tàu của hải quân Trung Quốc trên biển Bering", ông Bill Urban, người phát ngôn Lầu Năm Góc, nói với Reuters.
Đây cũng là lần đầu tiên tàu chiến của hải quân Trung Quốc tiến sát tới bờ biển nước Mỹ đến vậy mà không có lời mời đến thăm chính thức. Số tàu chiến, tàu đổ bộ và tàu tiếp tế này vừa hoàn thành một cuộc diễn tập chung với hải quân Nga hồi tuần trước.
Chúng xuất hiện trên biển Bering trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tới thăm Alaska và Bắc Cực để thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu. Hoạt động này cũng diễn ra chỉ một thời gian ngắn trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm chính thức nước Mỹ vào tháng 9 và khi Trung Quốc duyệt binh quy mô lớn kỷ niệm kết thúc Thế chiến II ở châu Á.
Sự hiện diện của tàu hải quân Trung Quốc ngay gần bờ biển nước Mỹ là biểu hiện mới nhất cho sự phát triển nhanh chóng về phạm vi hoạt động trên các vùng biển xa của hải quân Trung Quốc, nhằm bảo vệ các lợi ích toàn cầu ngày càng tăng của nước này, Australian nhận định.
Bản thân các quan chức Lầu Năm Góc cũng đang "có nhiều ý kiến khác nhau" về cách lý giải mục đích hoạt động của tàu hải quân Trung Quốc. Một quan chức cho biết: "Thật khó để nói chính xác, nhưng nó thể hiện một số lợi ích ở khu vực Bắc Cực".
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang thể hiện mối quan tâm ngày càng lớn tới việc sử dụng cái gọi là Tuyến Hàng hải Phía Bắc để vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và phương Tây thông qua ngả Bắc Cực, khi hiện tượng tan băng ở khu vực này giúp cho tàu bè dễ dàng hoạt động hơn. Tuyến đường này có thể giúp Trung Quốc tiết kiệm được vài ngày hành trình so với việc đi qua kênh đào Suez.
Tàu đầu tiên của Trung Quốc đi qua toàn bộ Tuyến Hàng hải Phía Bắc là tàu phá băng Snow Dragon vào năm 2012. Kể từ đó, một số tàu buôn của Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng tuyến đường này, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay.
Trung Quốc hiện cũng đang rất quan tâm đến tiềm năng khai thác các nguồn năng lượng ở Bắc Cực. Năm 2013, nước này trở thành quan sát viên thường trực của Hội đồng Bắc Cực, một tổ chức gồm các quốc gia thành viên là Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định việc tàu hải quân Trung Quốc hoạt động trên biển Bering, ngay sát nách nước Mỹ, không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn là một thông điệp mà Bắc Kinh muốn phát đi với thế giới, đặc biệt là Mỹ, rằng hải quân của họ giờ đây đã đủ sức hoạt động trên các vùng xa đất liền.
Năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu cho tàu hải quân hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ. Mặc dù vào thời điểm đó Lầu Năm Góc không xác nhận vị trí của những tàu này, các chuyên gia phân tích cho rằng nhiều khả năng chúng hoạt động ngoài khơi đảo Guam của Mỹ.
Một minh chứng nữa cho việc hải quân Trung Quốc đang cố gắng gia tăng phạm vi hoạt động xa đất liền là hồi năm ngoái, tàu chiến của nước này đã thực hiện một hải trình băng qua eo biển hẹp nằm trên vùng biển giữa Nhật Bản và Nga. Đây được coi là một động thái của hải quân Trung Quốc nhằm tìm đường tiến ra Thái Bình Dương khi những ngả khác đều bị "Chuỗi đảo thứ nhất" kéo dài từ Nhật Bản xuống Philippines phong tỏa.
Một điểm đáng chú ý nữa là những tàu trên xuất hiện trên biển Bering trong bối cảnh Trung Quốc sắp trình làng loại tên lửa có biệt danh là "sát thủ diệt tàu sân bay" có khả năng đe dọa đến cán cân quyền lực ở Thái Bình Dương, Financial Times nhận định.
Các chuyên gia quốc phòng phương Tây nhận định tên lửa có tầm bắn khoảng 1.550 km, có thể bay với tốc độ nhanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh, nhanh hơn bất cứ loại vũ khí đánh chặn nào trên thế giới. Trung Quốc có thể chế tạo loại tên lửa này với chi phí rất thấp. 1.200 quả tên lửa có giá chỉ ngang một tàu sân bay, đồng nghĩa với việc chúng có thể dễ dàng áp đảo toàn bộ các biện pháp phòng thủ của tàu sân bay nhờ chiến thuật "lấy thịt đè người".
Bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington cũng cho rằng hải quân Trung Quốc đã thể hiện rõ ý đồ trở thành một lực lượng hoạt động xa bờ.
"Chúng ta nên làm quen với điều này. Hải quân Trung Quốc đang ngày càng thể hiện đặc điểm viễn chinh nhiều hơn, và đang trở thành một lực lượng toàn cầu", bà Glaser nói với Wall Street Journal.
Chuyên gia này cũng cho rằng việc các tàu hải quân Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển ngoài khơi nước Mỹ không thể hiện mối đe dọa cụ thể nào. "Hải quân Trung Quốc đang ngày càng chuyển mình thành một lực lượng hải quân biển xanh. Tôi không nghĩ chúng ta cần phải lo lắng về sự việc này".
Reuters dẫn lời chuyên gia Dean Cheng thuộc Quỹ Di sản (Heritage Foundation), Mỹ, cho rằng thông qua 5 tàu, Bắc Kinh muốn gửi đến Mỹ một thông điệp rằng hải quân của họ đã lớn mạnh, trở thành một "lực lượng biển xanh" có thể hoạt động và hiện diện trên toàn cầu, thách thức vị thế số một của hải quân Mỹ hiện nay.
Mặc dù vậy, đến nay Mỹ vẫn chưa phát hiện thấy bất cứ dấu hiệu đe dọa nào trong hoạt động của 5 tàu hải quân Trung Quốc trên biển Bering, và tuyên bố sẽ theo dõi sát sao mọi hoạt động của chúng. Một quan chức Lầu Năm Góc nhấn mạnh tàu bè Trung Quốc hoàn toàn có quyền qua lại trên các vùng biển quốc tế, và tàu chiến Mỹ cũng thường xuyên tuần tra ở vùng biển ngoài khơi Trung Quốc.
Trí Dũng