Hôm thứ năm (16/9), Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo chính thức nộp đơn gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được 11 quốc gia thành viên, gồm Việt Nam, ký kết năm 2018 tại Chile.
Theo New York Times, đây được xem là nỗ lực tìm cách lôi kéo các đồng minh truyền thống của Mỹ vào quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc, khi sự cạnh tranh về việc tạo liên minh ngày càng nóng lên giữa Bắc Kinh và Washington.
Động thái của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh, trước đó một ngày, tức hôm 15/9, chính quyền Biden công bố quan hệ đối tác an ninh mới với Anh và Australia ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, với liên minh có tên AUKUS.
Wall Street Journal cho rằng, không chỉ về an ninh, thỏa thuận này giữa ba nước còn một phần nhằm giảm bớt ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực. Trong khi đó, Zhao Lijian, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết đơn gia nhập CPTPP "hoàn toàn không liên quan" đến AUKUS.
Wendy Cutler, Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, một chuyên gia tư vấn và là cựu thương mại cấp cao của Mỹ, bình luận diễn biến này nhấn mạnh rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều đang tích cực thu hút các đối tác và tìm kiếm liên mình để thúc đẩy lợi ích của họ.
Trong nội bộ Trung Quốc, một số nhà phân tích đã mô tả mong muốn của Bắc Kinh gia nhập CPTPP là cam kết của lãnh đạo nước này trong việc duy trì tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Bởi lẽ, các chính sách và quy định gần đây của Bắc Kinh bị một số nước cáo buộc là đi ngược lại thỏa thuận quốc tế, bao gồm tự do dữ liệu, cải tổ doanh nghiệp nhà nước và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
"Lãnh đạo coi việc tham gia CPTPP là một cách tốt để tăng cường độ mở của nền kinh tế Trung Quốc", Wang Huiyao, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một tổ chức tư vấn tại Bắc Kinh, cho biết. Nhóm của ông Wang cũng đã từng đề xuất với lãnh đạo trung ương rằng Trung Quốc nên xem xét tham gia TPP ngay sau khi ông Trump đưa Mỹ ra khỏi hiệp định.
Trước đó, CPTPP từng được biết đến với tên gọi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khối kinh tế này được xem là đối trọng quan trọng đối với ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc. TPP là trọng tâm trong mục tiêu xoay trục chiến lược của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama sang châu Á.
Nhưng vào năm 2017, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi phiên bản ban đầu của thỏa thuận - TPP, phàn nàn rằng đây là một "kẻ giết người".
Mặc dù chịu áp lực lớn hơn từ Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại, Mỹ vẫn khó có khả năng tái gia nhập hiệp ước, theo ông Gao. Lý do là việc gia nhập thỏa thuận cuối cùng có thể làm xói mòn sức mạnh kinh tế của Mỹ, vốn chủ yếu tập trung vào năng lực dịch vụ.
Tổng thống đương nhiệm Biden thì nói hiệp định cần được đàm phán lại trước khi ông ấy xem xét gia nhập.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki bình luận hôm 16/9 rằng, đây là việc liên quan lợi ích của Trung Quốc nên không xen vào. Nhưng "chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các quốc gia khác trong khu vực về các mối quan hệ, đối tác kinh tế, và nếu có cơ hội đàm phán, chúng tôi có thể tham gia", Jen Psaki nói.
Ban đầu, ý tưởng tham gia vào một hiệp định vốn từng được Mỹ dẫn dắt đã vấp phải rất nhiều sự phản đối của các bộ và cơ quan khác nhau ở Trung Quốc. Nhưng sau đó, năm ngoái, khi ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xem xét việc tham gia, các tranh luận chấm dứt.
Đến tháng 2/2021, Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong khẳng định tại một cuộc họp báo trực tuyến rằng Trung Quốc đang tích cực nghiên cứu việc gia nhập CPTPP và sẵn sàng tăng cường trao đổi kỹ thuật với các thành viên CPTPP về các vấn đề liên quan.
Việc gia nhập CPTPP sẽ là một động lực lớn đối với Trung Quốc sau khi đã ký kết Hiệp định thương mại tự do đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 15 quốc gia vào năm ngoái. Tờ Global Times bình luận việc gia nhập CPTPP là "bước tiến khổng lồ" của Trung Quốc sau RCEP.
Gao Lingyun, Chuyên gia tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh đánh giá động thái này là một bước phát triển quan trọng với sự tham gia của Trung Quốc trong việc thiết lập các thỏa thuận kinh tế và thương mại quốc tế. Nó có xu hướng đưa Trung Quốc vào vị trí tốt hơn trong việc quyết định các quy tắc thương mại tương lai.
Trong khi RCEP vẫn đang được phê chuẩn và phần lớn là một hiệp ước tập trung vào châu Á, CPTPP có tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn về mặt địa lý, với Canada và Peru là thành viên. Theo ông Gao Lingyun, điều này có nghĩa là "việc gia nhập có thể mở rộng vòng kết nối bạn bè" về mặt thương mại.
Song Wei, Nhà nghiên cứu tại Học viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc, cho rằng việc nộp đơn cho thấy lập trường không thay đổi của Trung Quốc với sự mở cửa thương mại toàn cầu, bất chấp sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy.
Trung Quốc đang hy vọng CPTPP sẽ đưa hợp tác kinh tế và thương mại toàn cầu trở lại đúng hướng, nhấn mạnh nhu cầu về chủ nghĩa đa phương, qua đó vực dậy cả nền kinh tế Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu trong thời kỳ hậu Covid-19.
Quan trọng hơn, những người theo dõi các vấn đề quốc tế nhấn mạnh rằng bước đi mới nhất của Trung Quốc nhằm ổn định quan hệ đối tác với các thành viên CPTPP, chắc chắn sẽ khiến Mỹ phải chịu áp lực lớn.
Bà Song Wei lưu ý, việc gia nhập sẽ củng cố vai trò của Trung Quốc với tư cách là nước đóng góp vào hội nhập thương mại khu vực và toàn cầu, nên hy vọng tiến trình của hiệp định cũng có thể thúc đẩy hợp tác Trung - Mỹ.
Thông báo hôm thứ Năm của Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết Bộ trưởng Vương Văn Đào đã tổ chức hội nghị từ xa với người đồng cấp New Zealand, Damien O’Connor, để thảo luận về công việc tiếp theo liên quan đến đơn xin gia nhập của Trung Quốc. Nước này sẽ cần được sự đồng ý của các thành viên hiện hữu.
Các nhà phân tích cho rằng đệ trình của Bắc Kinh có thể gây ra xích mích giữa các thành viên. Một số trong số họ, chẳng hạn như Singapore, sẽ tỏ ra dễ chịu đón nhận thành viên mới này hơn. Nhưng Nhật Bản, Chủ tịch CPTPP năm nay, cho biết họ sẽ tham vấn với các nước thành viên để phản hồi với Trung Quốc, và chưa có mốc thời gian cụ thể.
"Nhật Bản tin rằng cần phải xác định xem liệu Trung Quốc, nước đã đệ trình yêu cầu tham gia TPP-11, đã sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn cực kỳ cao của hiệp định hay chưa", Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nói hôm 16/9.
Bên cạnh đó sẽ còn một số vấn đề khác. Bắc Kinh đã vận động hành lang để đưa họ vào hiệp định, bao gồm bằng cách nhấn mạnh rằng nền kinh tế Trung Quốc và Australia có tiềm năng hợp tác to lớn. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước đã trở nên xấu đi.
Đài Loan cũng đang chuẩn bị đệ đơn tham gia hiệp ước, bày tỏ lo ngại về quyết định của Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng Trung Quốc sẽ không hài lòng nếu Đài Bắc được phép tham gia trước Bắc Kinh. Vào tháng 6, Anh đã bắt đầu các cuộc đàm phán để tính chuyện gia nhập CPTPP, trong khi Thái Lan cũng đã có dấu hiệu quan tâm đến việc tham gia hiệp định này.
Phiên An (tổng hợp)