"Oxy y tế cạn kiệt. Nếu có sự chuẩn bị, có lẽ rất nhiều người đã được cứu sống và nhân viên y tế không phải căng mình làm việc như bây giờ", cô nói. Suốt mấy tuần qua, nữ y tá 29 tuổi phải chăm sóc 400 bệnh nhân mỗi ngày.
Khi làn sóng Covid-19 thứ hai ập đến, nhân viên y tế tại các bệnh viện ở thủ đô phải chịu căng thẳng chưa từng có. Họ làm việc suốt ngày đêm, liên tục hàng giờ liền không nghỉ.
"Người bình thường sẽ dễ bị suy sụp khi chứng kiến cái chết. Nhưng với các nhân viên y tế, họ phải gạt mọi cảm xúc sang một bên. Nếu để cho cảm xúc chi phối, chúng tôi sẽ không thể làm việc", Shurti chia sẻ.
Sanjay Chugh, bác sĩ tâm lý ở Delhi, nói rằng phòng khám của ông chưa bao giờ có nhiều bệnh nhân là nhân viên y tế đến vậy.
"Con số tăng vọt từ tháng trước, tình hình hiện tại đang vắt kiệt sức lực của họ. Các y bác sĩ luôn trong tình trạng thiếu ngủ và có người còn phải sử dụng thuốc chống trầm cảm. Nhiều người thậm chí không có tiền sử bệnh tâm thần nhưng giờ đây phải điều trị tâm lý", ông cho biết.
Một nữ y tá 30 tuổi tại Bệnh viện Holy Family ở Delhi giãi bày: "Tôi còn con nhỏ ở nhà trong khi chúng tôi phải lao vào môi trường làm việc đầy rủi ro. Nhưng để làm gì cơ chứ, ngoài việc chứng kiến nhiều người ra đi hơn. Đôi khi, tôi tự hỏi sẽ ra sao nếu bản thân bị nhiễm virus. Nhưng rồi tôi nghĩ đây là công việc mà tôi phải làm".
Cảnh tượng đau lòng nhất cô phải chứng kiến là khi một em bé ba tuổi qua đời trong vòng tay của mẹ lúc đang trên đường tới bệnh viện. Họ đã đi qua ba bệnh viện khác trước khi tới Holy Family, nhưng tất cả các nơi đều không tiếp nhận. Nữ y tá nghẹn ngào: "Là một người mẹ, tôi không thể cầm được nước mắt và cảm thấy đau đớn mỗi khi nhớ tới việc đó".
Covid-19 đã cướp đi mạng sống của ít nhất 747 bác sĩ, 116 y tá và 199 nhân viên khác kể từ khi đại dịch bùng phát tại Ấn Độ.
L. Gopichandra, người đứng đầu Hiệp hội Y tá tại Delhi, nói: "Y tá là những chiến binh trên tiền tuyến. Họ thực hiện những gì bác sĩ chỉ đạo và trong đại dịch này, họ đang cống hiến nhiều hơn chúng ta thấy".
Thảm kịch có mặt ở khắp nơi, không riêng gì bệnh viện. "Trong đợt dịch đầu, không ai chết trong xe cứu thương của tôi. Nhưng lần này, trong năm đến sáu bệnh nhân lên xe mỗi ngày, chỉ có một hoặc hai người cầm cự được khi đến bệnh viện. Hầu hết người bệnh chết trên đường đi ", Arun Sharawat, một tài xế xe cấp cứu ở Delhi, cho hay.
Anh Sharawat nhận được hàng chục cuộc gọi mỗi ngày, rong ruổi trên đường khoảng 250 km trong mỗi ca làm. Tuy nhiên, anh chỉ đưa được năm hoặc sáu người đến viện. Do hầu hết bệnh viện thiếu giường và buộc phải từ chối bệnh nhân, Sharawat lại cấp tập đưa họ đến nhiều cơ sở y tế khác hoặc chở xác chết trong xe.
Có một trải nghiệm mà Sharawat không thể quên nổi. "Tôi nhìn thấy một người phụ nữ quỳ dưới chân bác sĩ cầu xin anh ta cứu cha mình. Bệnh nhân đã chết trước khi đến viện. Cô con gái cầu khẩn như thể bác sĩ có thể giúp cha cô sống lại. Cô than khóc nhiều đến nỗi mọi người xung quanh đều khóc. Tôi không thể đối mặt với tình huống này. Trong nhiều ngày, cảnh tượng đó bỗng chốc lại ùa về trong tâm trí. Tôi cảm nhận rõ nỗi đau mất cha của người phụ nữ đó".
Đến nay, Ấn Độ ghi nhận hơn 24 triệu ca nhiễm và 266.000 trường hợp tử vong do Covid-19. Riêng tại Delhi, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, hơn 20.000 người đã chết vì virus.
Mai Dung (Theo Nikkei Asia)