Sau một năm tàn khốc với nhiều làn sóng Covid-19 nối tiếp nhau, số ca nhiễm ở các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp, Đức giảm mạnh nhờ chiến dịch tiêm chủng thần tốc. Virus chuyển hướng tấn công Ấn Độ. Biến thể B.1.617 nguy hiểm còn xâm lấn Đông Nam Á - nơi từng được coi là thành trì chống dịch.
Theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus, xu hướng đối lập giữa các khu vực, số ca nhiễm hàng ngày cao ở mức "không thể chấp nhận" khiến thế giới lâm nguy.
Giới khoa học cảnh báo nếu virus lây lan không kiểm soát ở nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ tạo điều kiện cho các biến thể tiếp tục phát triển, đe dọa phần còn lại của thế giới.
Tiến sĩ Tedros nói: "Toàn cầu vẫn trong tình trạng nguy hiểm. Trung bình mỗi ngày có khoảng 772.000 ca dương tính mới, gần một nửa ở Ấn Độ, nơi B.1.617 đang lây lan".
Ngày 10/5, WHO xếp B.1.617 vào nhóm "biến thể đáng lo ngại", bên cạnh B.1.1.7 của Anh, P.1 của Brazil và B.1.351 của Nam Phi. Các nước giàu tiêm vaccine đủ nhanh, làm giảm tốc độ lây nhiễm virus. Song nhiều nước thu nhập thấp và trung bình ít khả năng tiếp cận vaccine vẫn đang đón làn sóng thứ hai, thứ ba.
Campuchia và Thái Lan kiểm soát thành công Covid-19 trong suốt năm 2020, gần đây dịch bệnh nóng trở lại. Malaysia công bố đợt phong tỏa toàn quốc mới hôm 10/5, hai ngày sau khi ghi nhận số ca nhiễm cao nhất kể từ tháng 1.
Trước khi có làn sóng mới, Thái Lan ghi nhận khoảng 28.000 ca nhiễm nCoV. Trong 5 tuần, kể từ 31/3, con số này tăng gấp đôi. Đợt bùng phát bắt nguồn từ các tụ điểm giải trí về đêm ở Bangkok. Ngày 5/4, thành phố cho đóng cửa 196 quán bar và nhà hàng, nhưng virus tiếp tục lây lan. Dịch càng trầm trọng sau lễ Songkran giữa tháng 4, khi hàng trăm nghìn người đổ ra bãi biển hoặc đi thăm gia đình.
Ngày 10/5, biến thể Ấn Độ được phát hiện ở một phụ nữ Thái Lan và con trai nhập cảnh từ Pakistan. Các nhà chức trách xem xét mở rộng lệnh đóng biên với những nước khác, bên cạnh Ấn Độ.
Wayo Assawarungruang, thành viên đảng đối lập, cho biết một số cơ sở y tế ở Bangkok đã từ chối xét nghiệm nCoV vì không đủ giường. Nhà chức trách phải thiết lập bệnh viện dã chiến, sử dụng sân vận động, hội trường và khách sạn để tiếp nhận người mắc Covid-19.
Tháng 2, Campuchia vẫn là một trong những vùng dịch nhỏ nhất thế giới, với 0 ca tử vong. Đợt bùng phát đầu tháng 3 khiến số trường hợp dương tính mỗi ngày tăng lên hàng trăm. Đến nay, quốc gia có 131 người chết vì Covid-19.
Dịch bùng phát đột ngột tạo ra áp lực lớn cho hệ thống y tế mong manh. Ngày 6/4, Thủ tướng Hun Sen ra lệnh người nhiễm nCoV nhẹ điều trị tại nhà vì bệnh viện lớn quá tải. Quốc gia ghi nhận ca nhiễm B.1.617 hồi đầu tháng 5, vài ngày sau khi cấm chuyến bay từ Ấn Độ.
Đại diện WHO tại Campuchia Li Ailan cảnh báo làn sóng Covid-19 mới khác với năm ngoái do sự xuất hiện của biến thể Ấn Độ và Anh. Để hạn chế virus lây lan, giới chức phong tỏa thủ đô Phnom Penh ngày 15/4. Ở khu vực thuộc "vùng đỏ", người dân không được rời khỏi nhà trừ trường hợp khẩn cấp.
Đầu tuần này, Bộ Y tế Indonesia cũng xác nhận hai ca nhiễm biến thể B.1.617. Nhà chức trách lo ngại về kỳ nghỉ lễ Mudik sắp tới. Hàng chục triệu người sẽ đi du lịch, tiễn gia đình về quê ăn mừng ngày kết thúc tháng Ramadan.
Để ngăn virus lây lan trong kỳ lễ hội, chính phủ cấm di chuyển trong nước kể từ 6/5 đến hết ngày 17/5. Lệnh cấm áp dụng cho phương tiện công cộng và tư nhân, bao gồm ô tô, xe máy, xe bus, tàu hoả, phà, tàu thuỷ và máy bay.
Ngày 7/5, Bộ Y tế cho biết virus trong đợt dịch mới ở Việt Nam là biến thể Ấn Độ và Anh. Đến nay, Covid-19 đã lan ra 27 tỉnh thành. Nhiều bệnh nhân ở Hà Nội, Hải Dương, Yên Bái, Hưng Yên, Thái Bình nhiễm biến thể B1.617. Ngày 11/5, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giải trình tự gene 7 mẫu bệnh phẩm liên quan tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, cho kết quả nhiễm biến thể Ấn Độ.
Bộ Y tế nhận định diễn biến Covid-19 đang hết sức phức tạp, có nhiều chùm ca nhiễm trong cộng đồng tại nhiều địa phương. Đặc biệt đã xuất hiện biến thể virus mới lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn, có khả năng làm tình trạng bệnh nặng lên.
Theo Yang Zhanqiu, chuyên gia virus Đại học Vũ Hán, tình hình tại Ấn Độ cho thấy biến thể B.1.617 có khả năng lan sang nhiều quốc gia hơn, quy mô lây truyền rộng nếu không được kiểm soát hiệu quả.
Tại Mỹ, Anh và khu vực Tây Âu, nơi vaccine được triển khai rộng rãi, dịch bệnh hạ nhiệt. Người dân đổ xô trở lại các nhà hàng và điểm tham quan. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm phê duyệt sử dụng vaccine Pfizer ở trẻ từ 12 đến 15 tuổi, mở ra một bước ngoặt mới cho Mỹ.
Tiến sĩ Robert Schooley, trưởng khoa truyền nhiễm tại Đại học California San Diego, nhận định tỷ lệ lây nhiễm toàn cầu còn khá biến động.
"Sắp tới, nhiều khu vực sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn, dịch bệnh ở địa phương bùng phát và được kiểm soát liên tục", ông nói. Mọi thứ tiếp diễn cho đến khi khoảng 70% dân số toàn cầu được tiêm vaccine như khuyến nghị của WHO.
Thục Linh (Theo NY Times, CNN)