Cuối năm ngoái, khi Indonesia đảm nhận chức chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các quan chức ở Jakarta tin đây là cơ hội để thể hiện vai trò lãnh đạo của nước này trên trường quốc tế.
Trong nhiều năm, giới phân tích đã coi Indonesia là quốc gia có quy mô và tiềm năng to lớn nhưng chưa phát huy hết tiềm lực. Hội nghị thượng đỉnh G20 được xem là cơ hội để Indonesia tạo dấu ấn trong ứng phó những thách thức toàn cầu hiện nay, từ biến đổi khí hậu, an ninh lương thực tới phục hồi hậu đại dịch.
Nhóm G20 chiếm khoảng 60% dân số và 80% GDP toàn cầu, được cho là đại diện của thế giới hiện đại, theo Ishaan Tharoor, nhà phân tích của Washington Post. "Với vai trò chủ tịch năm nay, Indonesia đã sẵn sàng dẫn dắt nhóm", Tharoor cho hay.
Nhưng xung đột Ukraine nổ ra từ ngày 24/2 đã phủ bóng lên hy vọng tỏa sáng của Jakarta. Vài tháng trước hội nghị thượng đỉnh ở Bali, G20 đã chứng kiến nhiều chia rẽ trong nhóm, khi các quan chức phương Tây không muốn đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Putin cuối cùng không tới Bali, nhưng những chia rẽ và hậu quả của xung đột đã ảnh hưởng tới hội nghị G20.
Tuyên bố chung cuối hội nghị hôm 16/11 cũng cho thấy những rạn nứt lớn. "Hầu hết thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh nó đang gây ra đau khổ cho con người, làm trầm trọng thêm những rạn nứt hiện có trong nền kinh tế toàn cầu", tuyên bố chung có đoạn.
Nhưng văn kiện này cũng ngầm thừa nhận thất bại khi cho biết "có những quan điểm và đánh giá khác nhau về tình hình và các biện pháp trừng phạt. Dù biết rằng G20 không phải diễn đàn giải quyết các vấn đề an ninh, chúng tôi thừa nhận các vấn đề này có ảnh hưởng to lớn tới nền kinh tế toàn cầu".
Bài phát biểu bắt đầu các cuộc thảo luận ở hội nghị G20 của Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thể hiện những khó khăn đó. "Tôi hiểu chúng ta cần nỗ lực lớn để có thể ngồi với nhau trong căn phòng này", ông nói trước khi bắt đầu cuộc thảo luận kín. "Nếu chiến sự không kết thúc, rất khó để thế giới tiến về phía trước".
Sáng 16/11, các lãnh đạo dự hội nghị G20 đối mặt với tình huống đáng lo ngại, khi tên lửa rơi xuống Ba Lan khiến hai người thiệt mạng.
Tại Bali, các lãnh đạo G7 và NATO đã nhanh chóng có những cuộc thảo luận riêng. Dù các quan chức Ba Lan và NATO cuối cùng đều cho rằng vụ nổ chỉ là tai nạn, có thể gây ra bởi tên lửa phòng không của Ukraine, họ vẫn cho rằng Nga là bên có lỗi vì đã tập kích hàng chục tên lửa vào các thành phố Ukraine.
"Sự cố cho thấy mức độ nghiêm trọng trong hành động quân sự của Nga và hậu quả của nó đã vượt ra ngoài Ukraine", Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói.
Những phát biểu của phương Tây về Nga khiến Tổng thống Indonesia không thoải mái, khi nước này không muốn bị cuốn vào cuộc xung đột.
"Nỗi thất vọng của ông Widodo về chính trị xung quanh hội nghị thượng đỉnh G20 bắt nguồn từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của Indonesia nhằm bảo vệ Đông Nam Á khỏi cạnh tranh nước lớn", Sana Jaffrey, giám đốc Viện Phân tích Chính sách Xung đột tại Jakarta, cho hay.
Jaffrey cho rằng bóng đen xung đột Ukraine phủ lên G20 cho thấy chính sách quản lý lợi ích chiến lược dựa trên đồng thuận dường như không bắt kịp với những biến động lớn của tình hình thế giới hiện nay.
Những gì diễn ra ở G20 phần nào phản ánh bức tranh về hệ thống quốc tế gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với những thách thức chung mang tính toàn cầu. Ngay từ đầu hội nghị, các lãnh đạo hàng đầu đã nhận thức được những hạn chế của một diễn đàn như G20.
"Bạn không thể giải quyết vấn đề chính trị bằng các biện pháp chính sách kinh tế", Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nói. "Kết thúc cuộc chiến ở Ukraine là động lực mạnh mẽ nhất để xoay chuyển tình hình kinh tế thế giới".
Thanh Tâm (Theo Washington Post)