Khi cuộc gặp cấp cao lần đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra ở Florida, Mỹ trong tuần này, cả hai sẽ chuẩn bị cho cuộc xung đột quan điểm về một loạt vấn đề quốc tế từ toàn cầu hóa cho đến tự do thương mại, theo SCMP.
Toàn cầu hóa
Chương trình nghị sự "nước Mỹ trước tiên" của Trump cũng như mong muốn của ông về việc giảm vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng trên khắp thế giới.
Chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức của Trump vào tháng 1, ông Tập nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ rằng: "Đổ lỗi cho toàn cầu hóa kinh tế là nguyên căn của các vấn đề thế giới là đi ngược lại với thực tế và điều này sẽ không giúp giải quyết các vấn đề".
Phát biểu này đối chọi với cam kết của ôngTrump trong bài diễn văn nhậm chức rằng chính quyền của ông sẽ đặt các lợi ích của Mỹ lên trên hết và đưa việc làm trở về nước Mỹ.
"Chúng ta làm giàu cho các nước khác trong khi thịnh vượng, sức mạnh và sự tự tin của đất nước ta biến mất ngay trước mắt", Trump nói.
Tự do thương mại và đầu tư nước ngoài
Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện trên toàn cầu với sáng kiến Con đường Tơ lụa và sẽ tổ chức một hội nghị cấp cao để thực hiện sáng kiến này ở Bắc Kinh vào tháng 5 tới. Trung Quốc cũng đang thúc đẩy một thỏa thuận tự do thương mại với ASEAN và nhiều nước khác có tên gọi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trung Quốc đã gửi các đại diện đến Chile để tham gia cuộc họp thảo luận về tương lai của Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), làm dấy lên đồn đoán rằng Bắc Kinh tìm cách thay thế vị trí của Mỹ trong hiệp định này sau khi Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP.
Tại Davos, ông Tập nói: "Chúng ta phải cam kết thúc đẩy thương mại tự do và đầu tư thông qua việc mở cửa và nói không với chủ nghĩa bảo hộ (bảo vệ nền công nghiệp trong nước). Theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ là tự giam mình trong một căn phòng tối, dù tránh được gió mưa bên ngoài, bạn sẽ bị thiếu ánh sáng và không khí".
Trong khi đó, Trump nói rằng TPP là một phiên bản gần giống Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) - thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất của Mỹ theo đánh giá của Trump.
"Trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã làm giàu cho ngành công nghiệp nước ngoài trong khi ngành công nghiệp Mỹ thì bị chịu thiệt. Các nhà máy lần lượt đóng cửa và rời bỏ đất nước chúng ta mà không ai mảy may nghĩ đến hàng triệu công nhân Mỹ đang bị bỏ rơi phía sau", Trump nói trong lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống.
Liên minh châu Âu
Trump cho rằng quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh là "một điều vĩ đại". Ông cũng công khai chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel về chính sách mở cửa với người tị nạn.
"Tôi tin các nước khác rồi sẽ rời EU. Tôi nghĩ rằng duy trì sự gắn kết của EU không dễ dàng như nhiều người nghĩ", Trump nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào tháng một.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh, vậy nên, ông Tập và các lãnh đạo khác của Trung Quốc khẳng định rõ sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với một EU đoàn kết.
"Trung Quốc mong muốn nhìn thấy một châu Âu thịnh vượng và một EU đoàn kết, đồng thời hy vọng Anh, một thành viên quan trọng của EU, có thể đóng góp vai trò thậm chí còn tích cực và mang tính xây dựng hơn trong việc thúc đẩy sự phát triển sâu rộng của mối quan hệ Trung Quốc - EU", ông Tập nói trong chuyến thăm vào năm 2015.
Trung Đông
Trung Quốc chỉ có vai trò hạn chế ở Trung Đông và nước này tránh ủng hộ bất kỳ bên nào trong các cuộc xung đột tại đây, mặc dù Bắc Kinh phụ thuộc nguồn cung dầu mỏ từ khu vực này. Tuy nhiên, Trung Quốc đang đẩy mạnh giao thiệp với các nước Trung Đông trong thời gian gần đây.
"Trung Quốc và các nước Hồi giáo tôn trọng lẫn nhau và đã hợp tác đôi bên cùng có lợi trong một thời gian dài. Đây là ví dụ tốt về sự tồn tại dung hòa giữa các nền văn minh khác nhau", ông Tập nói khi đón tiếp quốc vương Arab Saudi Salman vào ngày 16/3 tại Bắc Kinh.
Trái lại, Mỹ đã châm ngòi các tranh cãi về khu vực này. Chính quyền của Trump muốn áp đặt lệnh cấm nhập cảnh trong 90 ngày với công dân đến từ 6 nước Hồi giáo lớn, trong đó có ba nước ở Trung Đông gồm Iran, Syria và Yemen.
Triều Tiên và an ninh Đông Bắc Á
Triều Tiên là mối quan tâm an ninh hàng đầu ở Đông Á của chính quyền Trump. Trung Quốc xem Triều Tiên là vùng đệm chiến lược chống lại ảnh hưởng chính trị và quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á. Vì vậy, họ đã cự tuyệt các yêu cầu của Mỹ trong nhiều năm về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Triều Tiên, dù Bình Nhưỡng ngày càng gia tăng các hoạt động phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa.
"Triều Tiên đang hành xử rất tệ. Họ đã 'chơi' Mỹ trong nhiều năm. Trung Quốc giúp đỡ rất ít!", Trump viết trên Twitter ngày 17/3.
Các quan chức Trung Quốc cho biết Bắc Kinh không muốn để xảy ra tình hình hỗn loạn ở bán đảo Triều Tiên và kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng các hành động khiêu khích, nhưng họ luôn khẳng định vấn đề hạt nhân của Triều Tiên phải được dàn xếp thông qua đàm phán.
Hồng Vân