Nhậm Chính Phi sinh năm 1944 tại tỉnh Quý Châu, là con cả trong một gia đình có 7 anh em với bố mẹ đều làm giáo viên. Nhà nghèo nhưng bố mẹ ông vẫn quyết tâm nuôi con ăn học, điều này có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời Nhậm Chính Phi, theo Sohu.
Cách mạng Văn hóa nổ ra khi Nhậm Chính Phi chỉ còn một năm nữa là tốt nghiệp Đại học Xây dựng Trùng Khánh (hiện là Đại học Trùng Khánh). Nghe tin bố bị bắt, ông lập tức bắt tàu về quê nhưng bị bố yêu cầu không được nghỉ học. Quay về Trùng Khánh, Nhậm Chính Phi học hết các môn máy tính điện tử, kỹ thuật số, tự động hóa trong trường. Ông còn tự học và biết ba ngoại ngữ.
Ra trường, Nhậm Chính Phi làm việc trong ngành xây dựng dân sự trước khi nhập ngũ năm 1974, gia nhập Binh chủng Kiến thiết Cơ sở hạ tầng Quân đội với nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng Nhà máy Hóa sợi Liêu Dương. Nhậm Chính Phi từng đảm nhận nhiều chức vụ tại nhà máy này như kỹ sư, kỹ thuật viên, phó giám đốc, nhưng không có quân hàm bởi hệ thống quân hàm trong quân đội Trung Quốc bị xóa bỏ trong một thời gian dài sau Cách mạng Văn hóa.
Binh chủng Nhậm làm việc là đơn vị đặc biệt, được thành lập năm 1966, với đội ngũ nhân sự gồm nhân tài từ Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, thủy điện, khai khoáng... Binh chủng này do Quốc vụ viện, Quân ủy Trung ương Trung Quốc trực tiếp chỉ đạo, nhưng hạch toán kinh tế độc lập, tự chịu trách nhiệm kinh doanh, không sử dụng kinh phí từ Bộ Quốc phòng.
Trong thập niên 1970, binh chủng hoạt động trên 25 tỉnh thành, khu tự trị và thành phố trực thuộc ở Trung Quốc, hoàn thành hơn 130 hạng mục xây dựng cấp quốc gia, bao gồm những công trình lớn như mạng lưới đường sắt Bắc Kinh, sân bay Bắc Kinh, lăng chủ tịch Mao Trạch Đông, đường vành đai hai ở Bắc Kinh, tu sửa và cải tạo hơn 2.300 km đường quốc lộ ở Thanh Hải, Tân Cương, Tứ Xuyên, Thiểm Tây, xây dựng đặc khu kinh tế Thâm Quyến.
Năm 1983, Trung Quốc giải thể binh chủng có hơn 300.000 lính này. Những tổng công ty lớn của Trung Quốc như tập đoàn xây dựng Bắc Kinh, tổng công ty xây dựng Trung Quốc đều do bộ đội phục viên từ binh chủng này thành lập.
Sau khi binh chủng giải thể, Nhậm Chính Phi chuyển tới Thâm Quyến cùng vợ là Mạnh Quân, cán bộ cấp cao của công ty dầu khí Nam Hải, theo Sina. Ông làm lãnh đạo một công ty con thuộc tập đoàn Nam Hải, chuyên sản xuất thiết bị điện tử.
Năm 1987, khi công việc ở Nam Hải không thuận lợi, Nhậm Chính Phi đầu tư 21.000 nhân dân tệ (3.000 USD) thành lập công ty Huawei và trở thành tổng giám đốc điều hành (CEO) của Huawei năm 1988, nắm giữ vị trí này từ đó tới nay.
Đến tháng 7/2018, Nhậm Chính Phi được tạp chí Forbes xếp thứ 83 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, với giá trị tài sản 3,4 tỷ USD. Huawei trở thành tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc, mở rộng hoạt động ra hơn 170 quốc gia, với 180.000 nhân viên.
Xuất thân gây nghi ngại
Bố vợ của Nhậm Chính Phi là Mạnh Đông Ba, một quan chức cấp cao của tỉnh Tứ Xuyên. Một số diễn đàn mạng Trung Quốc cho rằng ông Mạnh Đông Ba là người có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời Nhậm Chính Phi. Nhờ bố vợ mà Nhậm Chính Phi có thể gia nhập quân đội, cũng như nhanh chóng đưa Huawei trở thành nhà sản xuất thiết bị điện tử viễn thông hàng đầu ở Trung Quốc nhờ các đơn hàng của chính phủ.
Các chuyên gia cho rằng việc Nhậm Chính Phi có xuất thân từ quân đội Trung Quốc khiến nhiều chính phủ phương Tây nghi ngờ về mối quan hệ giữa Huawei với Bắc Kinh. Bên cạnh Jack Ma, Nhậm Chính Phi hiện nay được cho là một trong những "bộ não công nghệ" thân cận nhất với Chủ tịch Tập Cận Bình, còn Huawei là công ty quan trọng nhất của Trung Quốc, đóng vai trò như "anh hùng dân tộc".
"Huawei là cánh tay nối dài của Bắc Kinh", một nghị sĩ Mỹ từng tuyên bố. Báo cáo của quốc hội Mỹ năm 2012 nhận định tập đoàn này là mối đe dọa đối với bảo mật thông tin, cảnh báo các công ty viễn thông không mua sản phẩm của Huawei.
Australia và New Zealand cũng ngăn chặn các nhà mạng viễn thông sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng 5G. Tập đoàn BT của Anh hôm 5/12 cho biết họ đã loại bỏ thiết bị của Huawei ra khỏi mạng 3G, 4G và sẽ không dùng thiết bị của doanh nghiệp Trung Quốc trong các phần chính của mạng kế tiếp.
Các cơ quan chính phủ Nhật cũng bị cấm mua các sản phẩm viễn thông từ hai tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc là Huawei và ZTE, sau khi chính phủ dự kiến sửa đổi các quy tắc nội bộ về mua sản phẩm công nghệ từ Trung Quốc vào ngày 10/12 tới.
Huawei đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới, khi giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu bị bắt ở Canada hôm 1/12 theo yêu cầu từ phía Mỹ. Theo tờ Global and Mail, bà bị bắt với cáo buộc tìm cách lách lệnh cấm vận thương mại mà Mỹ áp đặt lên Iran. Wall Street Journal hồi tháng 4 cũng tiết lộ Washington đã mở cuộc điều tra về việc vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Huawei.
Bắc Kinh phản ứng quyết liệt, yêu cầu Mỹ và Canada giải thích, đồng thời trả tự do cho bà Mạnh, trưởng nữ của Nhậm Chính Phi. Huawei khẳng định tuân thủ mọi quy định và không nhận thấy vi phạm nào của bà Mạnh.
Bà Mạnh, 46 tuổi, đổi họ theo họ mẹ năm 16 tuổi bởi ngưỡng mộ ông ngoại. Nhậm Chính Phi cũng không phản đối việc đổi tên này bởi ông rất kính nể bố vợ. Ngoài Mạnh Vãn Chu, ông Nhậm còn có một con trai với người vợ đầu Mạnh Quân.
Ông và vợ đầu ly hôn do mâu thuẫn trong quan điểm quản lý công ty, nhưng cũng có thông tin cho rằng hôn nhân của họ tan vỡ do sự xuất hiện của người thứ ba là Diêu Lăng, từng làm thư ký cho ông Nhậm.
Nhậm Chính Phi sau đó lấy Diêu Lăng, người nhỏ hơn ông nhiều tuổi. Hai người có một con gái tên là Annabel Yao, năm nay 20 tuổi, đang là sinh viên trường đại học danh tiếng Harvard tại Mỹ. Bà Diêu sống ở Thượng Hải, còn ông Nhậm sống ở Thâm Quyến. Trong một cuộc phỏng vấn với Paris Match tháng trước, Annabel tuyên bố không có ý định gia nhập công ty của bố.
Mạnh Vãn Chu được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu kế nghiệp Nhậm Chính Phi tại Huawei. Bà từng đảm nhận nhiều vị trí tại công ty như giám đốc bộ phận kế toán quốc tế, giám đốc tài chính của Huawei Hong Kong, và chủ tịch bộ phận quản lý kế toán. Bà còn là một trong những phó chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn này.
Chủ tịch Huawei vẫn chưa lên tiếng sau khi con gái bị bắt. Các nhà phân tích lo ngại căng thẳng Mỹ - Trung sẽ bùng phát sau vụ bắt giữ một thành viên gia đình của người sáng lập Huawei, người từng là đại biểu dự Đại hội Toàn quốc đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1982.