Việc ngoại trưởng Triều Tiên phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ngày 22/9 đánh dấu lần xuất hiện hiếm hoi của một đại diện từ chính quyền Kim Jong-un, theo Washington Post.
Kể từ khi ông đến New York vào tuần này, ông Ri Yong Ho đã gây nhiều sự chú ý khi so sánh lời đe dọa "hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên" của Trump với "tiếng chó sủa". Khi được hỏi về biệt danh "người tên lửa" mà Trump đặt cho lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Ri nói: "Tôi cảm thấy tiếc cho phụ tá của ông ấy".
"Suy đoán của tôi là ông ấy sẽ công kích dữ dội Mỹ. Ông ấy cũng sẽ chỉ trích các đồng minh của Mỹ", Evans Revere, cựu quan chức ngoại giao Hàn Quốc đã gặp ông Ri ba lần trong 5 năm qua, dự đoán về bài phát biểu của ngoại trưởng Triều Tiên.
Về mặt cá nhân, ông Ri là một người thoải mái, tự tin nhưng cũng khiêm tốn, Revere nói. Nhưng tại một diễn đàn như Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, công việc của Ri là nhấn mạnh đường lối của chính quyền một cách mạnh mẽ nhất có thể.
Mặc dù Bộ Ngoại giao có ít ảnh hưởng hơn so các cơ quan an ninh ở Triều Tiên, ông Ri giữ vị trí đặc biệt trong chính quyền. Ông là một trong số ít quan chức Triều Tiên mà quan chức Mỹ có nhiều tiếp xúc.
Ralph Cossa, Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, người từng gặp ông Ri, cho biết: "Ông ấy là một ngoại trưởng có sức ảnh hưởng. Nhìn chung, Bộ Ngoại giao là tổ chức không có nhiều quyền lực trong Triều Tiên nhưng lời nói của ông ấy có trọng lượng".
Ri là con trai của Ri Myong Je, biên tập viên của hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA và là phụ tá thân cận của cố lãnh đạo Kim Jong-Il.
Nhờ xuất thân danh giá này mà ông Ri, khoảng 63 tuổi, đã nắm giữ một số vị trí cao cấp trong chính quyền Triều Tiên. Ông tốt nghiệp ngành tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ Bình Nhưỡng.
Trong gần 20 năm, ông Ri là một trong những nhà ngoại giao nắm vai trò quan trọng trong quan hệ của nước này với Mỹ và là người đối thoại chính với đại diện Mỹ trong các cuộc đàm phán chính thức và không chính thức, theo North Korea Leadership Watch.
Năm 2000, ông Ri hộ tống Phó nguyên soái Jo Myong Rok, quan chức quyền lực thứ hai ở Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên, trong một chuyến đến Mỹ.
Tại đây, ông đã gặp Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright. Chuyến viếng thăm được hoan nghênh như một bước tiến quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. (Tuy nhiên, điều này không xảy ra vì George W. Bush sau đó lên nắm quyền và theo đuổi cách tiếp cận rất khác với Triều Tiên).
Thời trẻ, ông Ri từng là nhà ngoại giao ở Zimbabwe, Thụy Điển và là đại sứ Anh năm 2003 - 2007. Ông Ri từng là người thương thuyết chính trong các cuộc đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Tại Đại hội đảng Lao động ở Bình Nhưỡng năm ngoái, ông Ri đã trở thành ủy viên dự khuyết của Bộ Chính trị.
Với vị trí ngoại trưởng, ông Ri từng gặp người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Manila hồi tháng trước nhưng đã phản đối đề nghị đàm phán quân sự nhằm giảm căng thẳng.
"Với tình hình hiện nay, khi Hàn Quốc hợp tác với Mỹ để gây áp lực với Triều Tiên, đề xuất như vậy thiếu sự chân thành", ông Ri nói, theo một báo cáo từ cuộc họp.
Ngoài ra, ông Ri cũng gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng tham dự diễn đàn ở Manila nhưng không gặp ông Ri.
"Một trong những quyết định đúng đắn nhất của Kim Jong-un là bổ nhiệm Ri Yong Ho làm ngoại trưởng", Thae Yong Ho, cựu phó đại sứ tại Đại sứ quán Triều Tiên ở London, nhận xét. Ông Thae đã đào tẩu sang Hàn Quốc vào mùa hè năm ngoái.
"Ông ấy là hình mẫu cho tất cả nhà ngoại giao Triều Tiên - rất giỏi ngoại ngữ và có kỹ năng viết rất tốt", ông nói.
Phương Vũ