
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: AFP.
Một năm trước, rất ít người đặt niềm tin vào khả năng tái đắc cử của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Nhưng cuối cùng, trái với đồn đoán, ông vẫn bảo vệ được quyền lực. Hôm 4/8, sau khi thoát khỏi âm mưu ám sát bằng máy bay điều khiển từ xa tại lễ duyệt binh kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Lực lượng Vệ binh Quốc gia Venezuela ở thủ đô Caracas, Maduro tuyên bố ông hiện "quyết tâm hơn bao giờ hết", theo AFP.
"Tôi ổn, tôi vẫn sống và sau cuộc tấn công này, tôi trở nên quyết tâm hơn bao giờ hết trên con đường cách mạng", Tổng thống 55 tuổi của Venezuela tuyên bố.
Nhóm đối lập bí ẩn mang tên "National Movement of Soldiers in T-shirts" hay "Flannel Soldiers" đã đứng ra nhận trách nhiệm cho vụ ám sát. Maduro cáo buộc nước láng giềng Colombia và những thế lực chưa xác định ở Mỹ đứng sau âm mưu giết hại ông, song cả Mỹ và Colombia đều phủ nhận có liên quan.
Khoảnh khắc Tổng thống Venezuela bị ám sát hụt.
Hồi tháng 5, Maduro bảo vệ thành công nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, để nắm quyền tới năm 2025, bất chấp những bất ổn ở Venezuela những năm qua. Nền kinh tế suy thoái với mức lạm phát phi mã, có thể chạm một triệu phần trăm trong năm nay, đẩy cuộc sống của người dân Venezuela vào khó khăn chồng chất. Tình trạng thiếu thực phẩm và thuốc men ngày càng trở nên phổ biến.
Trong cuộc bầu cử, Henri Falcon, đối thủ lớn nhất của Maduro, chỉ giành 22% số phiếu bầu. Ông tuyên bố không chấp nhận kết quả trên. Một số quốc gia khác cũng khẳng định họ không thừa nhận kết quả bầu cử ở Venezuela.
Maduro, một cựu tài xế xe buýt, lãnh đạo công đoàn, cựu ngoại trưởng Venezuela, trong khi đó luôn chắc chắn về chiến thắng của mình. Tuy nhiên, ông hiện phải chật vật xây dựng tín nhiệm với tư cách người kế thừa của tổng thống tiền nhiệm Hugo Chavez. Chavez lãnh đạo Venezuela từ năm 1999 tới khi qua đời hồi năm 2013 và chỉ định Maduro làm người thay ông tiếp tục phát huy tư tưởng dân túy cánh tả.
Nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Maduro diễn ra không yên bình. Venezuela phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, tỷ lệ tội phạm và nghèo đói liên tục gia tăng, các lệnh trừng phạt từ quốc tế và hàng triệu người dân muốn rời khỏi đất nước.
"5 năm trước, tôi là một người mới", Tổng thống Venezuela mới đây phát biểu. "Bây giờ, tôi là một Maduro mạnh mẽ với kinh nghiệm chinh chiến... Tôi đã trở lại, kiên cường hơn bao giờ hết".
Những người chỉ trích Maduro cáo buộc ông quản lý nền kinh tế đất nước kém hiệu quả. Năm ngoái, Maduro bị chỉ trích vì lập nên một Hội đồng Lập hiến tập hợp những người trung thành với ông và gây ảnh hưởng tới quốc hội do phe đối lập nắm quyền kiểm soát.
Cố tổng thống Chavez gọi Maduro là một "nhà cách mạng cứng rắn và thuần khiết". Những người ủng hộ Chavez nay bắt đầu tỏ ra hoài nghi về Maduro. "Ông ấy không còn là người theo chủ nghĩa Chavez nữa", Ana Elisa Osorio, bộ trưởng dưới thời tổng thống Chavez, nói.
Nhưng Maduro khẳng định ông là "tổng thống dân chủ" đang dấn thân vào một "cuộc chiến kinh tế" do những thế lực chính trị được Mỹ hậu thuẫn khơi ra.
Khoảnh khắc vệ sĩ che chắn cho Tổng thống Venezuela trong vụ ám sát.
'Tổng thống công nhân'
Maduro sinh năm 1962 trong một gia đình tầng lớp lao động, có cha là lãnh đạo công đoàn. Ông từng giữ chức chủ tịch hội sinh viên tại trường trung học Jose Avalos ở El Valle, ngoại ô thủ đô Caracas.
Theo một số tài liệu, Maduro chưa tốt nghiệp. Công việc đầu tiên của ông là tài xế xe buýt cho công ty Caracas Metro. Tại đây, Maduro gia nhập Liên đoàn Xã hội chủ nghĩa.
Maduro gặp cố tổng thống Venezuela Hugo Chavez lần đầu tiên vào tháng 12/1993 và trở thành gương mặt trung tâm trong Phong trào Cách mạng Bolivar, giúp phát động Phong trào Cộng hòa thứ năm vào năm 1997, ủng hộ chiến dịch tranh cử của Chavez. Năm 1998, Chavez được bầu làm tổng thống Venezuela. Sự nghiệp chính trị của Maduro cũng tiếp tục thăng tiến từ đây.
Năm 1999, Maduro giúp soạn thảo hiến pháp mới cho Venezuela trước khi trở thành phó chủ tịch quốc hội. Đến năm 2000, ông nhận chức chủ tịch quốc hội.
Năm 2006, tổng thống Chavez chỉ định Maduro làm ngoại trưởng Venezuela. Năm 2007, Condoleezza Rice, ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ, chỉ trích chính quyền Venezuela vì đóng cửa một kênh truyền hình tư nhân. Đáp lại, Maduro đã gọi bà là "kẻ đạo đức giả", đồng thời so sánh nhà tù Vịnh Guantanamo với các trại cải tạo phát xít.

Maduro lái xe buýt vận động tranh cử hồi năm 2013. Ảnh: AFP.
Theo giới quan sát, Maduro lâu nay đã cố gắng noi theo người tiền nhiệm Chavez bằng những lần xuất hiện dài trên truyền hình hay sử dụng ngôn ngữ thông dụng và giọng điệu chống đế quốc. Nhưng ông cũng đang từng bước tạo dựng hình ảnh riêng.
Mô tả bản thân là "tổng thống công nhân", Maduro không ngại đùa giỡn về khả năng tiếng Anh kém của mình. Ông thích nhảy salsa và không bao giờ xuất hiện trên các trang mạng xã hội.
Như một biểu hiện của sự thay đổi hình ảnh, câu khẩu hiệu năm nay mà Tổng thống Venezuela đưa ra là "Tất cả ở bên Maduro, trung thành và tương lai". Năm 2013, khẩu hiệu là "Chavez trường tồn, Maduro là tổng thống".