Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố hôm nay, hai tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt gần 114 tỷ USD, tăng xấp xỉ 19% so với cùng kỳ 2023. Việt Nam xuất siêu trên 4,7 tỷ USD - mức cao nhất cùng kỳ 10 năm.
Xuất siêu sang Mỹ, EU tăng lần lượt gần 37% và 14% so với cùng thời điểm năm ngoái. Riêng thị trường Nhật, từ nhập siêu 0,2 tỷ USD chuyển sang xuất siêu 0,4 tỷ USD.
Cán cân thương mại thặng dư góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và hỗ trợ cán cân thanh toán quốc tế.
Ngoài mặt tích cực, các chuyên gia lưu ý, bản chất xuất siêu thời gian qua do tăng trưởng xuất khẩu giảm ít hơn nhập, nên về dài hạn sẽ là thử thách với các doanh nghiệp. Bởi, kinh tế thế giới chưa khả quan, sức mua yếu và nỗi lo lạm phát vẫn hiện hữu. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới nhu cầu tiêu dùng, nhập hàng của họ.
Nhờ tín hiệu thị trường tại các nước nhập khẩu chính khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm tăng trên 19%, đạt gần 59,4 tỷ USD. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài góp 71,5% vào xuất khẩu chung hai tháng, còn lại là doanh nghiệp trong nước.
11 mặt hàng ghi nhận kim ngạch trên 1 tỷ USD, riêng 4 nhóm chủ lực (điện tử, máy tính, điện thoại - linh kiện, máy móc thiết bị và dệt may) thu trên 5 tỷ USD từ các thị trường.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập về hơn 54,6 tỷ USD hàng hóa, máy móc, nhiên liệu sản xuất, tăng 18% so với cùng kỳ 2023. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn là khu vực chiếm tỷ trọng nhập hàng hóa, nguyên liệu cho sản xuất nhiều hơn trong nước, gần 35 tỷ USD.
Về thị trường, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, gần 21 tỷ USD. Trong khi Mỹ là nơi hàng Việt xuất đi nhiều nhất, đạt 17,4 tỷ USD trong hai tháng.
Đức Minh