Số liệu vừa công bố của Bộ Công Thương công bố tại hội nghị tổng kết 2022 chiều 26/12, cho thấy xuất khẩu năm 2022 đạt khoảng 371,5 tỷ USD, tăng 10,5% so với 2021. Đây là lần đầu kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam vượt mốc 700 tỷ USD.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu, có 39 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, tăng 4 so với năm ngoái. 9 mặt hàng ghi nhận kim ngạch trên 10 tỷ USD.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch ghi nhận cả năm là 360,5 tỷ USD, tăng 8,5% so với 2021, kiểm soát tốt các mặt hàng hạn chế nhập khẩu.
Tính chung xuất nhập khẩu năm nay đã lần đầu vượt 700 tỷ USD, đạt 732 tỷ USD đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Nhờ đó, cán cân thương mại thặng dư năm thứ 7 liên tiếp, với giá trị gần 11 tỷ USD, góp phần ổn định tỷ giá, dự trữ ngoại hối...
Theo Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, xuất khẩu tăng chậm lại từ quý IV, thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng. Một số mặt hàng chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, trong khi giá xuất khẩu giảm, đã làm giảm sức cạnh tranh sản phẩm... Việc này, theo Bộ Công Thương, đã ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng xuất khẩu chung cả nước.
Cùng đó, xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn, chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngược lại, năng lực xuất khẩu các doanh nghiệp trong nước, nhất là vừa và nhỏ, chưa cao.
Cũng theo ông Khánh, tốc độ đa dạng hoá thị trường một số sản phẩm, như rau quả, còn chậm nên chưa đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng, hay tận dụng tốt các FTA đã ký. Việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sạch chính ngạch còn chậm.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận xét, năm 2023 sẽ phức tạp hơn khi nhiều nền kinh tế trên thế giới được dự báo lạm phát cao; kinh tế thế giới nhiều khả năng suy thoái kỹ thuật... kéo theo sức mua, tiêu dùng toàn cầu giảm.
Các đối tác thương mại cũng khó tính hơn, như điều chỉnh các quy định liên quan tới giảm phát thải carbon, hay siết chất lượng với hàng hoá nhập khẩu.
"Chắc chắn khách hàng sẽ khó tính hơn gắn với các điều kiện thương mại, phi thương mại, đòi hỏi các doanh nghiệp, ngành xuất khẩu có kịch bản ứng phó", ông Vũ lưu ý.
Nhìn nhận "cuộc chơi sẽ khắt khe, cạnh tranh hơn", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, năm tới ngành Công Thương vẫn đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm nay; cán cân thương mại duy trì xuất siêu và tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng tăng 8-9% so với 2022.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 đặt mục tiêu tăng từ 8-9%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5%...