Thị trường Trung Quốc hiện chiếm khoảng 80% trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam. Thế nhưng lâu nay hầu hết các thương nhân Việt Nam có chung quan niệm rằng, Trung Quốc là thị trường dễ tính, chất lượng thế nào họ cũng mua và buôn bán kiểu gì cũng xong.
Nhưng trên thực tế nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc đã và đang thay đổi rất nhanh (nhất là khu vực thành thị), đặc biệt là khi gia nhập WTO. Họ đang chuyển sang tiêu dùng các sản phẩm chất lượng cao, sạch, hàng rào kiểm dịch ngày càng chặt chẽ hơn... Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn không bắt kịp sự thay đổi này do không có sự chuẩn bị.
Hiệp hội trái cây Việt Nam cho biết, buôn bán với Trung Quốc hiện vẫn dừng lại ở phương thức nhỏ lẻ, thanh toán không qua ngân hàng mà qua các trung gian, không ký kết hợp đồng buôn bán. Điều này dẫn đến chỗ người xuất khẩu Việt Nam không biết bạn hàng Trung Quốc là ai, đối tượng nào tiêu dùng sản phẩm của mình. Do vậy giá cả lên hay xuống hoàn toàn do phía Trung Quốc tự quyết định, ép giá. Thương nhân Việt Nam phải bán rẻ hoặc thường xuyên bị xù nợ. Nguy hiểm hơn, do không nắm được nhu cầu khách hàng cần gì, xu hướng thay đổi ra sao nên luôn ở thế bị động, xuất được chuyến nào mừng chuyến ấy. Đó là chưa kể hiện tượng mạnh ai nấy xuất, thậm chí còn gây khó dễ cho nhau.
Các nhà xuất khẩu thừa nhận, việc xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch ngày càng khó khăn hơn và chỉ cần một ách tắc nhỏ đã gây ra hậu quả nặng nề cho cả nông dân và nhà kinh doanh (vụ dưa hấu thối ở biên giới năm ngoái là một ví dụ). Song Nhà nước vẫn chưa có chủ trương, chính sách, cơ chế nhằm cải thiện tình hình xuất khẩu qua biên giới.
(Theo Tuổi Trẻ)